Đôi nét về kế hoạch phỏng vấn

Tính đến tháng 5/2019, số lượng du học sinh tới Nhật đã lên đến 73.000 người[1], trong đó Việt Nam là nước có số du học sinh nhiều thứ 2 tại Nhật, chỉ xếp sau Trung Quốc. Với tư cách là thành viên của nước sở tại và cùng chung sống trong một cộng đồng, chúng tôi nhận thấy cần có trách nhiệm hỗ trợ các bạn du học sinh nước ngoài, giúp các bạn hiểu hơn về nước Nhật và có những năm tháng học tập thật ý nghĩa ở Nhật. Qua những câu chuyện và kinh nghiệm thực tiễn về chủ đề “học bổng du học Nhật”, chúng tôi hi vọng sẽ có cái nhìn sâu hơn về các bạn du học sinh Việt Nam. Việc giành được học bổng cũng là bước đệm đầu tiên rất quan trọng, để các bạn học sinh – sinh viên chạm đến giấc mơ du học, hay xa hơn nữa là có thể ở lại Nhật làm việc và sinh sống trong tương lai. Rất mong những bài viết như thế này sẽ đem lại thông tin hữu ích cho các bạn. Nhân vật phỏng vấn của chúng tôi hôm nay là bạn Lưu Khánh Hà và người thực hiện phỏng vấn là chị Hoàng Thị Thuý Vân, chị Vân từng là giáo viên tiếng Nhật của bạn Hà và hiện tại cũng đang du học tại Nhật Bản.

[1] https://www.viet-jo.com/news/statistics/200428184924.html

Hoàng Vân

Tốt nghiệp Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Giảng viên tiếng Nhật tại Trung tâm đào tạo và nghiên cứu Luật Nhật Bản (Hà Nội) – Đại học Nagoya (từ năm 2009 đến 2021)
Có kinh nghiệm du học tại 3 trường Đại học của Nhật: Đại học Ibaraki, Đại học Senshu và Đại học ngoại ngữ Tokyo (Tốt nghiệp Thạc sĩ – chuyên ngành Giáo dục tiếng Nhật)
Từ tháng 10/2021, trở thành nhân viên chính thức của công ty cổ phần Lightworks. Hiện tại đang xúc tiến các dự án “Hỗ trợ người Việt đang học tập – làm việc tại Nhật”

Giới thiệu về khách mời

Họ tênLưu Khánh Hà
Sinh viênNăm 4, khoa Nhân học, Đại học Osaka
Loại học bổngHọc bổng MEXT do trường tiến cử (chương trình G30 HUS)
Thời gian nhận học bổng4năm(từ 2017 đến nay)

Chắc hẳn không ít bạn đang tìm học bổng du học Nhật nhưng lại băn khoăn không biết phải bắt đầu từ đâu hay những thông tin cần thiết được đăng tải qua những kênh nào?

Hôm nay, chúng ta hãy cũng lắng nghe chia sẻ của bạn Lưu Khánh Hà, cô bạn đã tự mình tìm học bổng, tìm trường để biến giấc mơ du học của mình thành hiện thực. Hiện tại, Hà đang du học tại trường Đại học Osaka, Nhật Bản.

―Cô nghe nói Hà đã tự mình tìm kiếm học bổng du học. Hà có thể cho cô biết em tìm học bổng như thế nào không?

Hà: Tại thời điểm tìm trường để đi du học, em muốn học ở Nhật nhưng lúc đó tiếng Nhật của em chưa tốt. Vì vậy em tìm các chương trình học bằng tiếng Anh tại các trường Đại học ở Nhật.

Tình cờ em tìm thấy chương trình G30 HUS của Đại học Osaka. Trong quá trình tìm hiểu về chương trình thông qua website, em đọc sơ qua về cơ hội được học bổng MEXT và quyết định nộp đơn vào trường.

Lúc trước, em không thấy có trang web hay diễn đàn nào tổng hợp các học bổng tại Nhật, tuy nhiên hiện tại các bạn học sinh sinh viên có thể tham khảo những trang như: Scholarship for Vietnamese students, Săn học bổng cùng Alumni/ Scholarship hunting with alumni, Scholarship EZ, Scholarship Planet – Hành tinh học bổng

Với các thành viên của chương trình G30 HUS
Tham khảo: Thông tin về học bổng MEXT trên website của Bộ giáo dục Nhật Bản
https://www.mext.go.jp/a_menu/koutou/ryugaku/06032818.htm

―Để đăng kí học bổng này, cần những điều kiện gì Hà nhỉ?

Khi apply học bổng, trường không đặt ra điều kiện cụ thể, tuy nhiên thành tích cá nhân của em khi đó là em được IELTS 7.5.

3 năm học sinh giỏi tại trường Chuyên Đại học Sư Phạm Hà Nội, cùng các thành tích về hoạt động ngoại khóa, tình nguyện khác.

―Em có thể cho cô biết phương thức và trình tự đăng kí học bổng được không?

Sau khi qua được vòng hồ sơ, trường sẽ gửi mail mời tham gia vòng 1 để xét tuyển vào chương trình.

Phỏng vấn được chia làm hai vòng. Vòng phỏng vấn thứ nhất là để xem ứng viên có đủ năng lực theo học chương trình G30 HUS hay không. Vượt qua vòng phỏng vấn thứ nhất, mình có khả năng được đi du học, nhưng vẫn chưa biết có được học bổng MEXT hay không.

Nếu được nhận vào chương trình và đáp ứng đủ điều kiện nhận học bổng (em không nhớ cụ thể nhưng trừ sinh viên mang quốc tịch Nhật ra thì các sinh viên quốc tế đều được ứng tuyển cho học bổng MEXT), trường sẽ mời tham gia vòng phỏng vấn thứ 2.

Ở vòng này, thí sinh sẽ phải trả lời những câu hỏi liên quan tới kế hoạch học tập, chi tiêu, xây dựng mối quan hệ xã hội với thầy cô bạn bè, đặt ra các mục tiêu tương lai liên quan tới nghề nghiệp hoặc học lên cao học v..v.. Bài viết dưới đây (viết bởi sempai của em) nói về quy trình apply học bổng rất chi tiết, mời cô và các bạn tham khảo:

Thông tin và kinh nghiệm học tại đại học Osaka – Chương trình G30 (Top Global)
https://shinichi.edu.vn/tin-tuc/tin-tuc-eju/thong-tin-va-kinh-nghiem-hoc-tai-dai-hoc-osaka-chuong-trinh-g30-top-global/

―Hà có thể cho cô biết bí quyết để giành được học bổng của em không? Chẳng hạn như ở vòng chuẩn bị hồ sơ thì mình cần lưu ý những điều gì?

Vâng ạ. Trước hết về hồ sơ, khả năng trúng tuyển sẽ cao hơn nếu thí sinh có một bộ hồ sơ đẹp.

Đầu tiên là về thành tích học tập. Thường thì học sinh trường chuyên có lợi thế hơn trong việc apply các chương trình tiếng Anh ở Nhật tại các đại học lớn như Todai (Đại học Tokyo), Handai (Đại học Osaka), Meidai (Đại học Nagoya) hoặc Kyudai (Đại học Kyushu).

Tuy nhiên nếu không học trường chuyên thì thí sinh lại càng cần thành tích học tập xuất sắc, điểm trung bình học tập khoảng 9.2, 9.3 trở lên.

Thứ hai là phải có ngoại ngữ tốt. Tiếng anh IELTS tối thiểu 7.0. Tuy nhiên theo kinh nghiệm và quan sát của em, những sinh viên được nhận vào chương trình tiếng Anh thường là IELTS 7.5-8.5, TOEFL khoảng 110 trở lên.

SAT không bắt buộc, nhưng nếu điểm cao thì nên thêm vào hồ sơ. Tiếng Nhật cũng không bắt buộc và không phải là yếu tố quan trọng trong việc xét hồ sơ nhưng nên có ạ.

Tiếp theo là thành tích ngoại khóa. Tương tự như việc apply du học và học bổng ở các nước khác, việc có nhiều thành tích ngoại khóa nổi bật là vô cùng quan trọng trong việc thể hiện kỹ năng sống, kỹ năng xã hội cũng như cá tính và chất riêng của thí sinh.

Tham khảo: Điều kiện đăng kí học bổng chính phủ(Nhập học năm 2022)
https://www.vn.emb-japan.go.jp/files/100179829.pdf

―À, cô hiểu rồi. Ngoài học tập thì việc tham gia các hoạt động tình nguyện cũng rất quan trọng đúng không nhỉ? Thế mình có phải viết bài luận gì không?

Vâng, có chứ ạ. Về bài luận, tại thời điểm em nộp hồ sơ, Đại học Osaka yêu cầu thí sinh nộp hai bài luận, bài thứ nhất nói về lý do lựa chọn chương trình và bài còn lại nói về bản thân.

Về bài luận thứ nhất, em đã viết những nội nội dung như sức hấp dẫn của chương trình, khả năng đáp ứng của bản thân với chương trình, và mục tiêu trong tương lai, cụ thể như sau:

– Điều gì hấp dẫn bạn về chương trình này (ví dụ: học chuyên ngành này sẽ giúp bạn phát triển bản thân như thế nào, nội dung môn học đa dạng hấp dẫn ra sao, v.v.)
– Bạn có khả năng đáp ứng việc học của chương trình hay không (khả năng chịu áp lực, sắp xếp công việc, quản lý thời gian, và hoàn thành khối lượng bài tập lớn của bạn như thế nào…)
– Chương trình này có thể phục vụ cho mục tiêu tương lai của bạn như thế nào (có thể liên quan tới nghề nghiệp hoặc việc học Thạc sĩ)

Bài thứ hai, em đã tích cực PR về điểm mạnh và thành tích của bản thân (cười). Tuy nhiên, nội dung đó phải có liên quan tới việc mình chọn học chương trình này.

Ví dụ, việc thích văn hóa Nhật Bản và làm chủ tịch câu lạc bộ văn hóa Nhật Bản, điều này khiến mình dễ thích nghi hơn với việc du học tại quốc gia này, cũng như dễ kết bạn và hòa đồng với các bạn người Nhật khác trong chương trình.

Hoặc việc thích đọc sách về chính trị, văn hóa Nhật, điều này sẽ giúp mình dễ và nhanh tiếp thu kiến thức khi học các môn có nội dung liên quan.

Đi dã ngoại cũng gia đình bố mẹ nuôi

―Ồ, hay quá. Thế là trong các bài luận, Hà đã viết những nội dung như thế phải không? Những thông tin này rất hữu ích. Cuối cùng là vòng thi phỏng vấn. Ở vòng thi này, mình cần lưu ý những điều gì?

Vâng ạ. Khi phỏng vấn, những điểm chung cần lưu ý đó là: thí sinh nên ăn mặc lịch sự, chỉn chu (áo sơ mi và vest) và tham gia phỏng vấn đúng giờ.

Về chuẩn bị cho việc trả lời phỏng vấn: các câu hỏi cơ bản xoay quanh việc tại sao bạn lại chọn chương trình và trường, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn là gì, bạn đã có kiến thức gì về Nhật Bản rồi (văn hóa, ngôn ngữ, v.v.). Thi thoảng sẽ có một đến hai câu khó tung ra liên quan đến các vấn đề văn hóa, môi trường, kinh tế, chính trị toàn cầu.

Để phỏng vấn diễn ra suôn sẻ, thí sinh nên chuẩn bị trước cho những câu hỏi này bằng cách nghĩ trước câu trả lời và tập luyện trả lời với bạn hoặc thầy cô giáo.

Cuối cùng là vấn đề về kỹ thuật. Các buổi phỏng vấn được thực hiện online, vì vậy hãy đảm bảo bạn đã set up máy tính, wifi và các thiết bị cần thiết trước ít nhất 30 phút đến 1 tiếng. Nên test thử mic và camera để đảm bảo không có trục trặc gì xảy ra.

Tham dự giải tranh biện toàn thế giới WUDC cùng đội Nhật Bản và Việt Nam

―Đúng rồi, cô cũng thấy việc chuẩn bị trước cực kì quan trọng. Cảm ơn Hà vì đã chia sẻ những kinh nghiệm vô cùng hữu ích và lý thú của em ngày hôm nay. Chúc em sức khoẻ và ngày càng thành công hơn nữa trong tương lai.

Phần kết

Sau khi nghe kinh nghiệm của Hà, các bạn đã nắm được bí kíp để giành học bổng chưa?
Cuối cùng, hãy cùng điểm lại những bí kíp Hà chia sẻ trong bài phỏng vấn nhé!

  • Các bạn có thể ghi thêm vào hồ sơ hoặc gửi kèm giấy chứng nhận các chứng chỉ, bảng điểm hay thành tích để PR cho bản thân dù trong điều kiện ứng ứng tuyển không ghi quy định cụ thể
  • Ngoài thành tích học tập, hãy tích cực PR những hoạt động tình nguyện hoặc hoạt động vì cộng đồng mà mình đã tham gia
  • Với bài luận, viết càng cụ thể, dẫn chứng càng rõ ràng thì càng có sức thuyết phục
  • Hãy nghĩ xem những điểm mạnh hay thành tích nào của bản thân có liên quan gì đến chương trình mình muốn theo học
  • Trong bất cứ kì thi nào, việc chuẩn bị trước và chu đáo là vô cùng quan trọng