Đôi nét về kế hoạch phỏng vấn

Tính đến tháng 5/2019, số lượng du học sinh tới Nhật đã lên đến 73.000 người,[1]trong đó Việt Nam là nước có số du học sinh nhiều thứ 2 tại Nhật, chỉ xếp sau Trung Quốc. Với tư cách là thành viên của nước sở tại và cùng chung sống trong một cộng đồng, chúng tôi nhận thấy cần có trách nhiệm hỗ trợ các bạn du học sinh nước ngoài, giúp các bạn hiểu hơn về nước Nhật và có những năm tháng học tập thật ý nghĩa ở Nhật. Qua những câu chuyện và kinh nghiệm thực tiễn về chủ đề “học bổng du học Nhật”, chúng tôi hi vọng sẽ có cái nhìn sâu hơn về các bạn du học sinh Việt Nam. Việc giành được học bổng cũng là bước đệm đầu tiên rất quan trọng, để các bạn học sinh – sinh viên chạm đến giấc mơ du học, hay xa hơn nữa là có thể ở lại Nhật làm việc và sinh sống trong tương lai. Rất mong những bài viết như thế này sẽ đem lại thông tin hữu ích cho các bạn. Nhân vật phỏng vấn của chúng tôi hôm nay là bạn Lê Thanh Hiệu và người thực hiện bài phỏng vấn là chị Hoàng Thị Thuý Vân, chị Vân hiện tại cũng đang du học tại Nhật Bản.

[1] https://www.viet-jo.com/news/statistics/200428184924.html

Hoàng Vân

Tốt nghiệp Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Giảng viên tiếng Nhật tại Trung tâm đào tạo và nghiên cứu Luật Nhật Bản (Hà Nội) – Đại học Nagoya (từ năm 2009 đến 2021)
Có kinh nghiệm du học tại 3 trường Đại học của Nhật: Đại học Ibaraki, Đại học Senshu và Đại học ngoại ngữ Tokyo (Tốt nghiệp Thạc sĩ – chuyên ngành Giáo dục tiếng Nhật)
Từ tháng 10/2021, trở thành nhân viên chính thức của công ty cổ phần Lightworks. Hiện tại đang xúc tiến các dự án “Hỗ trợ người Việt đang học tập – làm việc tại Nhật”

Giới thiệu về khách mời

Họ tênLê Thanh Hiệu(sinh năm 1991)
Lý lịchNăm 2016: Tốt nghiệp Đại học Yamaguchi, chuyên ngành hoá ứng dụng
Năm 2016: Vào làm tại công ty sản xuất bánh kẹo Morinaga
Năm 2019: Vào làm tại công ty cổ phần E-Guardian
Sở hữu kênh YoutubeMiniature Hieu’s Kitchen
Và kênh TiktokMiniature Hieu’s Kitchen
Về học bổng của HiệuQuỹ học bổng: Sato Yo International Scholarship Foundation
Thời gian nhận học bổng: 2 năm
Chế độ học bổng: 120.000 vạn yên/1 tháng

Khi còn theo học Đại học Yamaguchi, Hiệu vượt qua nhiều vòng thi và xuất sắc được nhận học bổng từ quỹ Sato Yo International Scholarship Foundation. Không những sở hữu bảng thành tích học tập khủng, Hiệu còn cực kỳ năng nổ tham gia các hoạt động hỗ trợ các bạn du học sinh Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp, Hiệu xin việc thành công vào Công ty sản xuất bánh kẹo Morinaga, một trong những công ty lớn nhất thuộc ngành sản xuất bánh kẹo – thực phẩm công nghiệp của Nhật. Hiệu đến Nhật với tư cách là du học sinh tư phí, tự tìm hiểu và thi đỗ học bổng. Sau đây, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm săn học bổng của Hiệu nhé.


 – Chị nghe nói Hiệu đã tìm được học bổng sau khi nhập học một trường Đại học ở Nhật. Em có thể cho chị biết thêm em tìm được học bổng này như thế nào không?

Hiệu: Em tìm được thông tin trên bảng tin của trường ạ. Thông thường, các quỹ học bổng sẽ gửi thông tin và điều kiện ứng tuyển về cho trường, sau đó trường sẽ thông báo cho Phòng quản lý du học sinh.

– Thế để đăng kí học bổng đó, cần những điều kiện gì em nhỉ?

Hiệu: Không có quy định cụ thể về thành tích học tập, nhưng nếu đạt đủ các điều kiện sau đây thì em nghĩ tỷ lệ đỗ sẽ cao.

  • Đi học chuyên cần và có thành tích học tập xuất sắc
  • Tích cực tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế hoặc địa phương nơi mình sinh sống.

Ngoài ra, học bổng này còn ưu tiên những bạn có nguyện vọng sau này đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Các điều kiện cần thì một là phải nhận được tiến cử từ trường và thêm nữa, trường đó phải nằm trong danh sách chỉ định của quỹ học bổng ạ.

– Thế mình phải làm gì để được trường tiến cử?

Hiệu: Không quy định điều kiện cụ thể gì đâu ạ. Em nghĩ là chỉ cần thành tích học tập tốt, đi học chuyên cần thì không vấn đề gì.

– Em có thể cho chị biết quy trình đăng kí học bổng được không?

Hiệu: Vâng ạ. Quy trình đăng kí thì gồm các bước sau.

(1) Tải hồ sơ đăng kí từ website chính thức của Quỹ học bổng
(2) Thông báo với Phòng quản lý Du học sinh về việc mình sẽ nộp hồ sơ và họ sẽ phát cho mình số báo danh (số này là số báo danh suốt qúa trình đăng kí học bổng).
(3) Nhờ giáo viên hướng dẫn của mình viết thư tiến cử
(4) Chuẩn bị bộ hồ sơ viết tay
(5) Điền nội dung viết tay lên form online của Quỹ và gửi trước hạn yêu cầu
(6) Chuẩn bị đầy đủ bản viết tay và thư tiến cử rồi gửi bưu điện đến địa chỉ của Quỹ học bổng
(7) Nhận kết quả vòng 1 (vòng loại hồ sơ) qua website chính thức của Quỹ
(8) Tham gia phỏng vấn 1 đối 20 (nghĩa là có 20 người là ban giám khảo)
(9) Cuối cùng, danh sách các bạn đỗ học bổng sẽ được thông báo qua website của Quỹ

– Ôi, có đến 20 người làm ban giám khảo hả em? Thế thì run lắm nhỉ. Em có thể cho chị biết bí quyết để em giành được học bổng này được không? Chẳng hạn như những điểm cần lưu ý ở khâu chuẩn bị hồ sơ, viết bài luận hay vòng phỏng vấn?

Hiệu: Vâng ạ. Đầu tiên là mình phải có sự chuẩn bị “xa”. Ví dụ để dễ dàng vượt qua vòng hồ sơ, thì cần thành tích học tập xuất sắc này.

Ngoài ra, để nội dung nói chuyện ở vòng phỏng vấn được phong phú thì nên tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện hay hoạt động vì cộng đồng chẳng hạn.

Tiếp theo là bước chuẩn bị cơ bản. Hồ sơ viết tay phải viết nắn nót, cẩn thận. Đặc biệt tránh viết sai chính tả, mất chữ, tẩy xoá cẩu thả…

Sau khi chuẩn bị xong bộ hồ sơ, nên nhờ bạn hoặc giáo viên người Nhật check cẩn thận lại một lần nữa.

Khi viết luận thì nên tích cực PR nhiều vào các hoạt động xã hội mình từng tham gia.

Cuối cùng là vòng phỏng vấn. Phỏng vấn được tổ chức ở một hội trường cực kỳ lớn, có rất nhiều người trong ban giám khảo, thế nên cần nói thật to, dõng dạc

Luôn tươi vui và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về trang phục, cách chào hỏi, cách gõ cửa…

Ngoài ra, khi bước vào hội trường phỏng vấn, việc tạo ấn tượng tốt cho người phụ trách hướng dẫn vào phòng phỏng vấn cũng rất quan trọng. Bởi họ cũng là một thành viên ban giám khảo.

– Ồ, chị hiểu rồi. Mình cần ghi nhớ điều này đúng không nhỉ. Việc cư xử đúng mực, lịch thiệp với mọi người, kể cả những người không trực tiếp tham gia phỏng vấn, rồi cả những tình huống bên ngoài, không liên quan đến phỏng vấn chẳng hạn cũng là một điểm cộng đúng không em.

Cảm ơn Hiệu vì đã chia sẻ những kinh nghiệm vô cùng quý báu về việc đăng kí học bổng. Chị thấy mình học hỏi được rất nhiều từ những kinh nghiệm của em.
Chúc em sức khoẻ và ngày càng thành công hơn nữa trong tương lai.

Phần kết

Các bạn thấy thế nào sau khi nghe những chia sẻ của Hiệu? Sau khi đến Nhật, mình còn rất nhiều cơ hội giành học bổng đúng không nào?
Hãy cũng điểm lại những bí kíp săn học bổng của Hiệu dưới đây nhé.
・Đạt thành tích học tập tốt trong quá trình học là rất quan trọng.
・Việc tích cực tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế hay địa phương cũng là điểm nổi bật để PR.
・Sau khi chuẩn bị hồ sơ đăng kí, hãy check lại nhiều lần xem còn sai sót gì không.
・Tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong phỏng vấn. Ngoài ra, cố gắng tạo ấn tượng tốt với mọi người xung quanh, ngay cả trong những tình huống không liên quan đến phỏng vấn cũng là một điểm cộng.
 
Thông tin chi tiết về Quỹ học bổng Sato Yo các bạn có thể tham khảo website bên dưới.
Trang chủ: https://sisf.or.jp/ja/scholarship/foreign-studies/self-supporting/

Một số hoạt động cùng Quỹ học bổng Sato Yo