Nhiều bạn chắc hẳn sẽ thắc mắc “người Nhật có yêu giống như trong truyện tranh hay không nhỉ?”

Thật đáng tiếc, câu trả lời là không, người Nhật không lãng mạn như trong truyện tranh ngôn tình. Ngược lại, thực tế là ngày càng nhiều bạn trẻ không hề có kinh nghiệm chuyện tình cảm và đây được gọi là hiện tượng “xa lánh yêu đương ở giới trẻ”.

Nhiều người trẻ tìm đọc truyện tranh ngôn tình để tận hưởng cảm giác rung động khi yêu.

Truyện tranh ngôn tình của Nhật thực sự lôi cuốn bởi nét vẽ sống động và cốt truyện rắc rối phải không nào?

Trên thực tế truyện tranh ngôn tình bắt nguồn từ truyện tranh dành cho thiếu nữ hay còn gọi là shojo manga, có lịch sử phát triển trên 50 năm rồi.

Điều đáng kinh ngạc là người khởi đầu cho dòng shojo manga lại là tác giả nam.
Những cô gái lớn lên cùng truyện tranh của những tác giả nam đó, trở thành hoạ sĩ shojo manga chuyên nghiệp và hình thành nên dòng shojo manga hiện tại, nghĩa là “phụ nữ vẽ truyện tranh cho thiếu nữ”.

Shojo manga có thể coi là tấm gương phản chiếu thời đại, bởi các tác giả nữ thổi vào tác phẩm của mình xu hướng thời đại bằng sự nhạy cảm của phái nữ. Khi phụ nữ ngày càng có chỗ đứng trong xã hội hiện đại, quan điểm về tình yêu, kế hoạch cho cuộc sống, cũng như đề tài hay các nhân vật chính trong shojo manga dần thay đổi theo thời gian.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về lịch sử của shojo manga và những tác phẩm tiêu biểu của dòng manga này. Tiếp theo, tôi sẽ điểm qua những bộ shojo manga nổi tiếng ở Việt Nam và những bộ đang được yêu thích ở Nhật Bản.

Những bạn “muốn tìm hiểu về shojo manga”, “muốn tìm những bộ shojo manga được yêu thích” hãy đọc qua bài viết này nhé!

1. Truyện tranh ngôn tình Nhật Bản là gì?

Truyện tranh ngôn tình Nhật Bản là những bộ truyện có mô típ lãng mạn. Gọi chung là truyện tranh ngôn tình nhưng trong đó có rất nhiều thể loại, được phân chia theo bối cảnh và thế giới quan, cụ thể như sau.

Tham khảo: Phân loại truyện tranh ngôn tình Nhật Bản

  • Hài lãng mạn
  • Serious
  • Lịch sử
  • Fantasy
  • SF Khoa học viễn tưởng
  • BL(Boy’s love)
  • GL(Girl’s love)

BL là manga miêu tả chuyện tình cảm đồng giới nam, còn GL là manga miêu tả chuyện tình cảm đồng giới nữ. GL còn được gọi là Yuri, bắt nguồn từ việc tạp chí “Barazoku”, một tạp chí dành cho người đồng tính, mở ra một chuyên mục dành riêng cho độc giả là người đồng tính nữ với tên gọi “Góc dành cho Yurizoku”.

Cả hai đều được đăng trên những tạp chí manga chuyên ngành, lượng độc giả chủ yếu của BL là những cô gái thích BL, còn của GL là nam nữ thích GL.

Truyện tranh tình cảm có dòng dành cho shonen (nam sinh) gọi là shonen manga và dòng dành cho shojo (nữ sinh) gọi là shojo manga, nhưng ban đầu nó đều là thể loại phát triển từ thế giới của shojo manga.

Chính vì vậy, không ít người Nhật coi truyện tranh tình cảm cũng chính là shojo manga. Và những truyện tranh tình cảm của Nhật phát hành ở Việt Nam cũng chủ yếu là shojo manga.

Shojo manga có lịch sử phát triển lâu dài và ngày càng mở rộng phạm vi biểu đạt nên các tác phẩm nổi tiếng trải dài trên nhiều thể loại từ serious đến fantasy hay khoa học viễn tưởng. Đây cũng được coi là một trong những đặc trưng nổi bật của dòng shojo manga.

Mặt khác, những tác phẩm shonen manga chủ yếu là những tác phẩm lấy bối cảnh học đường, đề tài hài lãng mạn nên không có nhiều tác phẩm thể loại serious như shojo manga.

Ở Nhật rất nhiều tạp chí shojo manga được xuất bản, màu sắc vô cùng phong phú, ví dụ có tạp chí manga với dòng chủ đạo là bối cảnh học đường, có tạp chí lại phát hành nhiều manga fantasy.

Ngoài ra, “manga dành cho phụ nữ” là dòng phái sinh từ shojo manga, đối tượng hướng tới của dòng này không phải là nữ sinh mà là phụ nữ trưởng thành, từ sinh viên đại học đến người đi làm.

Manga dành cho phụ nữ thường có đề tài là “công việc và tình yêu”, nhiều bộ manga lãng mạn đã xuất bản và số lượng không thua kém dòng shojo manga.

1-1. Sức hấp dẫn của shojo manga

Nói đến sức hấp dẫn của shojo manga phải kể đến các yếu tố như sau.

・Miêu tả tinh tế
・Kiểu tóc và thời trang sành điệu
・Độc thoại nội tâm khơi gợi sự đồng cảm
・Hình tượng nữ chính khiến phái nữ ngưỡng mộ

Miêu tả tinh tế

Shojo manga trở nên hấp dẫn bởi đường nét tinh tế và lối vẽ chi tiết, tỉ mỉ. Từng lọn tóc óng ả, đôi mắt long lanh là những nét vẽ tiêu biểu của thể loại này, nên chỉ cần nhìn vào một trang giấy, bạn sẽ có cảm giác như đang được thưởng thức một bức tranh nghệ thuật.

Kiểu tóc và thời trang sành điệu

Nhân vật trong shojo manga có đặc trưng là kiểu tóc và thời trang sành điệu, để thực hiện giấc mơ của mọi cô gái là “muốn mình trở nên thật dễ thương”. Vì thế, nếu đọc những kiệt tác shojo manga theo từng thời kì, bạn sẽ hiểu được xu hướng thời trang thịnh hành ở Nhật Bản thời đó.

Độc thoại nội tâm khơi gợi sự đồng cảm

Shojo manga còn có đặc điểm nữa là sử dụng nhiều độc thoại nội tâm (thủ pháp mà nhân vật bộc lộ suy nghĩ của chính mình chứ không thông qua việc trò chuyện với ai đó), để bạn đọc thấu hiểu tình cảm của nhân vật. Tác giả không chỉ tập trung vào nhân vật chính mà còn đi sâu vào độc thoại nội tâm của các nhân vật phụ để miêu tả sự liên quan, tương tác giữa các nhân vật.

Cảm xúc của các nhân vật rất dễ hiểu nên bạn có thể thưởng thức câu chuyện và ủng hộ nhân vật yêu thích của mình.

Hình tượng nữ chính khiến phái nữ ngưỡng mộ

Nhân vật nữ chính là hình tượng lý tưởng của nữ sinh Nhật – một người mà bất cứ cô gái nào cũng dễ dàng đồng cảm.
Phụ nữ càng thăng tiến trong xã hội thì phong cách sống cũng như hình tượng nhân vật trong shojo manga cũng thay đổi theo thời đại.
Có thể nói, nhìn vào hình tượng nữ chính trong shojo manga qua từng thời kì, bạn sẽ hiểu được “những cô gái Nhật thời đó băn khoăn điều gì, khao khát điều gì?”.

2. Lịch sử của shojo manga

Shojo manga là dòng manga có lịch sử lâu đời, bắt đầu từ những năm 1950. Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu rõ nét hơn về đặc trưng của shojo manga và những tác phẩm tiêu biểu của từng thời kì.

2-1. Thập niên 50: bình minh của shojo manga

“Ribon no kishi” của Tezuka Osamu xuất bản năm 1953 được coi là khởi nguồn của dòng shojo manga. “Ribon no kishi” là câu chuyện phiêu lưu xoay quanh công chúa Sapphire cải trang thành nam giới, cầm kiếm và chiến đấu.

Nước Nhật thời bấy giờ vẫn giữ quan niệm truyền thống là giáo dục nữ giới thành những người “vợ hiền dâu thảo”, nên hình tượng nữ chính cầm kiếm “vạch tương lai” đã truyền cảm hứng và ước mơ cho nhiều cô gái.
Xem chi tiết trên Amazon

リボンの騎士

Sau “Ribon no kishi”, số lượng nhà văn nam sáng tác shojo manga tăng lên và giai đoạn các tác giả nam vẽ shojo manga kéo dài đến giữa thập niên 60.

Mizuno Hideko, người tạo nên bản hit đình đám “Hoshi no tategoto” được coi là nữ tác giả đầu tiên thành công trong giới shojo manga vốn chỉ dành cho tác giả nam. Muzuno Hideko xuất hiện lần đầu với tư cách hoạ sĩ vẽ truyện tranh vào năm 1955, sau đó bà liên tục xuất bản các tác phẩm manga có cốt truyện đầy đặn, dưới góc nhìn của phái nữ. Bà được coi là người tiên phong và đặt nền móng cho shojo manga, thậm chí có ý kiến cho rằng nếu không có sự xuất hiện của Mizuno Hideko thì không có dòng shojo manga ngày nay.
Xem chi tiết trên Amazon

星のたてごと

Ngoài ra, shojo manga những năm 1950 được đăng trên tạp chí Shojo. Tạp chí Shojo là tạp chí chuyên phát hành tiểu thuyết, tranh minh hoạ, manga… và có một đặc điểm là tác phẩm truyện chữ chiếm ưu thế hơn so với truyện tranh.
Xem chi tiết trên Amazon

少女の友

Năm 1955, các tạp chí dành riêng cho shojo manga lần lượt ra mắt như “Nakayoshi”, “Ribon”… và vẫn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, tại thời điểm ra mắt, số lượng manga còn khá ít nên các tạp chí này vẫn được xếp cùng loại với tạp chí shojo.
Phải từ sau 1958, các tạp chí này mới bắt đầu chuyển hướng và trở thành tạp chí chuyên ngành của shojo manga như hiện tại.

Cùng với “Nakayoshi” và Ribon”, tạp chí “Ciao” ra mắt lần đầu năm 1977 được coi “3 tạp chí shojo manga lớn nhất” ngày nay.

2-2. Thập niên 60: thành công vượt trội của các nữ hoạ sĩ shojo manga

Vào thập niên 1960, các nữ hoạ sĩ manga lần lượt ra mắt và phụ nữ bắt đầu chiếm vị trí tiên phong trong giới shojo manga. Nói đến hoạ sĩ manga thành công thời kì này phải kể đến những tên tuổi như Mizuno Hideko, Watanabe Masako hay Maki Miyako. Trong đó, Mizuno Hideko được coi là người đặt nền móng cho dòng truyện tranh lãng mạn bởi như phần trước tôi có đề cập, tác phẩm “Hoshi no tategoto” xuất bản năm 1960, khắc hoạ hết sức chân thực về tình yêu nam nữ.

Một điểm đổi mới ở các nữ hoạ sĩ manga là họ thổi vào đó dòng chảy hay trào lưu của thời đại trên nền tảng những bộ manga chú trọng vào cốt truyện mà các tác giả nam đã gây dựng trước đó.

Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất là bộ “Fire!” (Mizuno Hideko), có bối cảnh nước Mỹ và cốt truyện xoay quanh một cậu thanh niên ước mơ trở thành ca sĩ rock. “Fire!” là bộ shojo manga đầu tiên có nhân vật chính là nam, đây cũng được coi là khởi nguồn cho dòng manga có đề tài về các ban nhạc.

Mizuno cũng đưa vào tác phẩm của mình những yếu tố chân thực như hình ảnh những bạn trẻ đấu tranh chống lại xã hội bằng các trào lưu mới như nhạc Rock hay văn hoá hippie, bối cảnh lúc đó là cuộc vận động đấu tranh dân chủ chống chiến tranh Việt Nam và nạn phân biệt chủng tộc diễn ra sôi nổi.

“Fire!” được những người trưởng thành, cả nam và nữ ủng hộ bởi cốt truyện có quy mô lớn. Khi đó, phong trào đấu tranh của học sinh vinh viên Nhật được truyền cảm hứng từ cuộc cách mạng tháng 5 ở Pháp hay phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Hoa Kỳ, và bước vào giai đoạn cao trào.

Thời kì đó, Nhật Bản có nền kinh tế tăng trưởng thần kỳ, tình hình kinh tế xã hội được cải thiện đáng kể, nhưng lại rơi vào tình trạng “đáp ứng nhu cầu đặc biệt cho chiến tranh Việt Nam” bởi Nhật phải xuất khẩu hàng hoá cho quân đội Mỹ nhằm thu lợi nhuận. Những người trẻ có thái độ phản kháng xã hội, họ hưởng ứng nhạc Rock, văn hoá hippe, kêu gọi tình yêu và hoà bình. Có lẽ vì thế mà “Fire!” càng trở nên lôi cuốn bởi tác phẩm mô tả chân thực và trực diện văn hoá phản kháng.

Nửa sau thập niên 60 là thời kì “manga thể thao” (nhân vật chính là những người cống hiến hết mình cho thể thao) trở nên phổ biến, do ảnh hưởng của thế vận hội Olympic Tokyo 1964. Năm 1968, Urano Chikako xuất bản bộ “Attack No.1”, thuộc thể loại shojo manga, tạo nên cơn sốt về bộ môn bóng chuyền trên khắp nước Nhật.

Khi những sáng tác ở thể loại shojo manga trở nên sôi nổi thì nhiều tạp chí hàng đầu về shojo manga cũng lần lượt ra mắt. Có thể kể tên một số tạp chí tiêu biểu như “Tuần san Shojo Friend” và “Tuần san Margaret” ra mắt năm 1963, “Shojo Comic” và “Tuần san Seventeen” ra mắt năm 1968…

Vào thập niên 60, số lượng tạp chí shojo nguyệt san sụt giảm so với tạp chí shojo manga tuần san, nên nhiều tạp chí shojo ngừng xuất bản, hoặc đổi mới thành tạp chí shojo manga tuần san. Vì vậy, các ấn phẩm dành cho nữ giới đã được chuyển từ tạp chí shojo truyền thống sang tạp chí shojo manga tuần san, hoặc tạp chí shojo manga dành cho giới trẻ như “Nakayoshi” hay “Ribon”…

Những tạp chí này tổ chức các cuộc thi sáng tác manga, góp phần đưa những cô gái có ước mơ trở thành hoạ sĩ manga đến với công chúng với tư cách là hoạ sĩ manga chuyên nghiệp.

2-3. Thập niên 70: thời kì hoàng kim của shojo manga

Thập niên 70 được coi là thời kì hoàng kim của shojo manga bởi thành công của nhóm nữ hoạ sĩ manga có tên gọi “Nhóm Showa năm 24”. “Nhóm Showa năm 24” chính là những nữ hoạ sĩ manga sinh ra vào khoảng năm 1949 (tức năm Showa 24), tác giả tiêu biểu của nhóm này bao gồm Hagio Moto, Takemiya Keiko, Yamagishi Ryoko, Ikeda Riyoko, Oshima Yumiko…

“Nhóm Showa năm 24” đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm shojo manga với nội dung kịch tính, mở rộng phạm vi thể hiện từ fantasy hay SF đến đề tài lịch sử. Đặc biệt, “The Rose of Versailles” của Ikeda Riyoko lấy bối cảnh cuộc cách mạng Pháp, là tác phẩm hit đình đám, đại diện cho shojo manga thập niên 70.
Xem chi tiết trên Amazon

ベルサイユのばら

“Nhóm Showa năm 24” đi sâu khai thác nội tâm nhân vật, họ cho ra đời nhiều “nhân vật chính nhìn vào cái tôi, đi tìm cái tôi”. Đặc điểm nổi bật là các nhân vật thường mang lý tưởng tiến bộ, đi ngược lại hình tượng những cô gái “cổ hủ” do quan niệm truyền thống và thực tế áp đặt.

Đặc biệt, nhiều tác phẩm có nhân vật chính là các mỹ nam, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phái nữ, những người miễn cưỡng phải trở thành phụ nữ trưởng thành. Các tác phẩm nổi tiếng bao gồm “Poe no Ichizoku” (Hagio Moto) kể về một thiếu niên ma cà rồng, hay “Kaze to ki no uta” (Takemiya Keiko) miêu tả tình yêu của những chàng trai sống cùng kí túc xá.

Những truyện tranh có chủ đề “tình yêu giữa các nam sinh”, tạo nên cơn sốt vào thập niên 70 và cũng trở thành khởi nguồn cho trào lưu BL.

Thập niên 70 là thời kì mà nhu cầu của độc giả ngày càng đa dạng, việc phân chia thể loại shojo manga cũng trở nên rõ nét hơn. Nhiều độc giả không theo kịp thế giới quan và cốt truyện huyền bí của “Nhóm Showa năm 24” lại say mê những tác phẩm mô tả tình yêu thuần khiết giữa nam và nữ gọi là “otome chikku manga”. Đặc trưng của “otome chikku manga” là câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, có phần hời hợt của các cô cậu tuổi teen, kết hợp xu hướng thời trang thịnh hành.

Ngoài ra, “Hana to yume” (1974) và “Lala” (1976) là những tác phẩm dành cho những người yêu thích manga nhưng không đơn thuần chỉ nói về tình yêu, “June” (1978) dành cho những người thích BL, còn “Mimi” (1975) dành cho các bạn tuổi teen và một tạp chí ra đời để đáp ứng nhu cầu của độc giả.

Năm 1977, “Ciao” ra đời với tư cách là tạp chí dành cho thiếu nữ và như tôi có đề cập ở phần trước, tạp chí này cùng với “Nakayoshi”, “Ribon” trở thành “3 tạp chí shojo manga” hàng đầu của Nhật.

2-4. Thập niên 80: thời kì đỉnh cao của các tác phẩm học đường

Vào thập niên 80, “Otome chikku manga” trở nên phổ biến, những bộ manga chủ đề học đường với mô típ cuộc sống ở trường học thống trị thế giới shojo manga.

Đặc điểm của giai đoạn này là bối cảnh câu chuyện chuyển từ thế giới huyền ảo sang thế giới thực. Nữ chính từ tiểu thư tài sắc vẹn toàn thành những cô gái bình thường, nam chính cũng có sự chuyển hoá, từ bạch mã hoàng tử có dung mạo tuyệt vời thành những người có thân thế gần gũi như một người bạn đồng môn đồng khoá.

Những tác phẩm học đường điển hình bao gồm “Junsei Crazy Fruits” của Matsunae Akemi miêu tả chân thực đến trần trụi cuộc sống của một nữ sinh trung học, hay “Hot Road” của Tsumugi Taku kể về mối tình với một thanh niên bất hảo.

Những tác phẩm có bối cảnh nước ngoài cũng thay đổi cách mô tả, từ thế giới quan huyền ảo sang cuộc sống chân thực hàng ngày ở nước ngoài. Đặc biệt, “BANANAFISH” do Yoshida Akimi sáng tác mô tả cuộc xung đột giữa các băng nhóm mafia và ma tuý khiến không chỉ các thiếu nữ mà những người trưởng thành cũng bị mê hoặc.

Ngoài ra, số lượng tác phẩm có yếu tố tình dục tăng lên và chủ yếu là những bộ manga dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Trong các bộ shojo manga từ trước đến nay, những cảnh giường chiếu được mô tả khá nặng nề như một sự kiện gây shock, nhưng vào thập niên 80, tính dục được coi là điều tự nhiên và nó được miêu tả cởi mở hơn.

Tác phẩm tiêu biểu có thể kể tên ở đây là “Baajin♬ondo” của Shiraishi Ai kể về trải nghiệm đầu tiên, mang thai và phá thai.

Vào nửa sau những năm 80, số lượng nữ hoạ sĩ manga miêu tả cảnh tình dục tăng lên, thậm chí bộ ba Uchida Shungicu – Sakurazawa Erika – Okazaki Kyoko còn được gọi là “Hoạ sĩ manga H”. Họ không vẽ cho tạp chí shojo manga nên không được gọi là tác giả của dòng shojo manga. Tuy nhiên, vì chịu ảnh hưởng bởi shojo manga và ngược lại, họ có có sức ảnh hưởng rất lớn đến shojo manga về sau, nên không thể phủ nhận đóng góp của họ cho sự phát triển của dòng manga này.

Uchida Shungicu chủ yếu hoạt động trên tạp chí “Nguyệt san manga Garo” vốn là một tạp chí manga Angura[1], còn Sakurazawa Erika và Okazaki Kyoko chủ yếu đăng cho tạp chí “Manga Burikko”, một tạp chí dành cho người lớn.

Mặc dù các tạp chí này dành cho nam giới nhưng chúng cũng được phái nữ ưa chuộng, họ là những phụ nữ trưởng thành yêu thích subculture (văn hoá phụ) vì nội dung của nó không dành cho số đông.

Thập niên 80 được coi là thời kì mà đối tượng độc giả của manga rộng mở hơn, lan toả đến cả người lớn, các tạp chí dành cho nam giới, nữ giới lần lượt ra đời.

Dành cho nữ giới có tạp chí “Big Comic for Lady” ra mắt lần đầu năm 1981 và trở nên cực kì nổi tiếng với phụ nữ trưởng thành, tính dục trong đó được mô tả một cách triệt để. Những bộ manga trở thành dòng manga được yêu thích với tên gọi “Lady Comic”. Tuy nhiên, những cảnh miêu tả tính dục trần trụi dần trở nên nhàm chán và không còn được yêu thích nhiều như trước.

Manga dành cho phụ nữ trưởng thành, chú trọng đến cốt truyện ra đời kể từ sau tác phẩm “Young You” được xuất bản lần đầu năm 1986.

[1] Angura là từ viết tắt của underground, ám chỉ những tác phẩm mang tính thử nghiệm, tính tiền đề và bỏ qua tính thương mại.

2-5. Thập niên 90: sự ra đời của các nhân vật nữ chính mạnh mẽ

Shojo manga thập niên 90 cho thấy sự bùng nổ của những nữ chính sẵn sàng chiến đấu. Nhân vật “thụ động” dần biến mất, hình mẫu nữ chính độc lập, tự mình tìm kiếm và nắm giữ hạnh phúc nhận được sự ủng hộ của các cô gái trẻ. Bối cảnh khi đó là Luật bình đẳng cơ hội tuyển dụng nam nữ được ban hành năm 1985 giúp phụ nữ có chỗ đứng và ngày càng thăng tiến trong xã hội.

“Thuỷ thủ mặt trăng” (Takeuchi Naoko) nổi tiếng toàn thế giới, cũng là tác phẩm của thập niên 90 và được coi là đại diện tiêu biểu cho những những nữ anh hùng chiến đấu.

Ngoài ra, nhân vật nữ anh hùng chiến đấu như trong “Dòng sông huyền bí” (Shinohara Chie) lấy bối cảnh là đế quốc Hittite cổ đại, hay “BASARA” (Tamura Yumi) miêu tả thế giới sau khi nền văn minh sụp đổ, đều được phái nữ đón nhận nhiệt tình.

Một trong những đặc điểm của thập niên 90 đó là khái niệm “trẻ em trưởng thành[2]” xuất hiện vào đầu những năm 90 và nhanh chóng thu hút được sự chú ý của dư luận, những tác phẩm miêu tả vấn đề về tâm lý tăng lên.

Hagio Moto gây tiếng vang lớn với tác phẩm “Iguana Girl” kể về một người mẹ không thể yêu thương con gái mình, thậm chí nó được chuyển thể thành phim truyền hình. Phim truyền hình có nguyên tác manga không phải là điều mới lạ, nhưng chủ yếu là những tác phẩm tình yêu tươi sáng, nên “Iguana Girl” với chủ đề nghiêm túc như vậy có thể nói là một cú hit đặc biệt.

Ngoài ra, thập niên 90 đánh dấu sự phát triển của josei manga, thể loại manga có đối tượng là phụ nữ trưởng thành (từ sinh viên đại học đến người đi làm). Trong josei manga, nữ chính thường là những phụ nữ dày dặn kinh nghiệm yêu đương, họ theo đuổi cả tình yêu và công việc, điều này nhận được sự khích lệ từ thế hệ phụ nữ đã “tốt nghiệp” dòng shojo manga.

Các tác phẩm tiêu biểu bao gồm “Happy mania” kể về một phụ nữ từng trải trong chuyện yêu đương vì “khao khát một người bạn trai lý tưởng!” (Anno Moyoko), hay “Sweet relationship” có cốt truyện xoay quanh nữ chính làm đầu bếp, luôn trăn trở về tình yêu và công việc.

Với sự nổi tiếng của dòng josei manga, nhiều tạp chí dành cho josei manga lần lượt ra đời, như “Feeling young” (1991), “Kiss” (1992), “Chorus” (1994)

[2] “Trẻ em trưởng thành”: chỉ những người trưởng thành bị tổn thương sâu sắc, bị sang chấn tâm lý vì lớn lên trong một gia đình có nhiều vấn đề như cha mẹ nghiện rượu. Năm 1989, Saito Manabu đã dịch cuốn sách “It will never happen to me” của Claudia Black sang tiếng Nhật và được đón nhận rộng rãi ở Nhật Bản.

2-6. Từ năm 2000 trở về sau: sự đa dạng hoá các giá trị quan:価値観の多様化

Kể từ năm 2000, các giá trị quan trong shojo manga trở nên đa dạng hơn, và ngày càng có nhiều tác phẩm không chỉ đơn thuần nói về tình yêu mà có thể là “tình yêu+tình bạn” hay “tình yêu+ước mơ”…

Bối cảnh xã hội của thời kì này là tỷ lệ phụ nữ học lên cao hay xin việc được cải thiện, số lượng phụ nữ kết hôn chuyển từ làm nội trợ toàn thời gian sang đi làm song song cùng với chồng, hay những phụ nữ không kết hôn để tập trung cho sự nghiệp ngày càng tăng. Những giá trị cũ như “hôn nhân mới là bến đỗ hạnh phúc của phụ nữ”, “sở hữu hàng hiệu là hạnh phúc” trở nên vô nghĩa, bởi phụ nữ đã tìm được con đường để chứng tỏ bản thân dù chỉ có một mình.

Một trong những tác phẩm đình đám của thập niên này “Nodame Cantabire” (Nodame) kể về quá trình trưởng thành của nữ chính, một người khát khao trở thành nghệ sĩ piano. Những năm 2000, số lượng tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh hay truyền hình như Nodame tăng lên, các tác phẩm ăn khách được công nhận rộng rãi ở mọi lứa tuổi và giới tính. Lượng độc giả rộng mở, chủ đề tác phẩm trở nên phong phú hơn, mô tả về mọi vấn đề thực tế như sinh đẻ, nuôi dạy con cái, tiền bạc, tuổi già… Đây cũng là những đặc điểm chính của shojo manga thời kì này.

Đặc biệt, “Chạy trốn thì xấu hổ nhưng có ích” (Umino Tsunami) được chuyển thể thành phim truyền hình năm 2016, gây tiếng vang lớn nhờ lồng ghép được các vấn đề xã hội dựa trên cốt truyện là một cuộc hôn nhân hợp đồng.

Ngoài ra, vào những năm 2000, một số tạp chí manga dành cho phụ nữ tầm tuổi 30 ra đời. Một số tạp chí tiêu biểu bao gồm “Nguyệt san Flowers” ra mắt năm 2002, “Petit Comic” ra mắt năm 2010.

Bên cạnh đó, các tạp chí dành cho teen như “Renai Paradise” hay “Zettai Renai Sweet”… cũng lần lượt ra mắt năm 2001. Những tạp chí này phát hành truyện tranh lãng mạn, chủ đề chính là những cảnh tình dục và dần hình thành nên một dòng truyện tranh mới có tên là Teens Love (TL).

3. Lý giải triệt để các tác phẩm shojo manga nổi tiếng ở Việt Nam

Shojo manga Nhật liên tục phát triển cùng với sự thay đổi về vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Một số tác phẩm nổi tiếng được đón nhận ở nước nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Trong bài viết này, tôi lựa chọn một số tác phẩm ra đời vào thập niên 90 và những năm 2000, dựa trên tiêu chí là những bộ truyện tranh tình cảm lãng mạn của Nhật được yêu thích ở Việt Nam. Có đủ thể loại từ thanh xuân vườn trường, hài lãng mạn đến khoa học viễn tưởng… nên tôi nghĩ bạn đọc Việt Nam có thể thưởng thức sự đa dạng và phong phú của dòng shojo manga này.

Tôi sẽ giới thiệu chi tiết những nét riêng hấp dẫn của từng tác phẩm, hãy chọn ngay cho mình tác phẩm yêu thích nhé!

3-1. Boys over flower – Con nhà giàu

花より男子

Nhân vật nữ chính – Makino Tsukushi là một cô gái bình thường nhưng lại theo học tại ngôi trường danh giá dành cho các “cậu ấm cô chiêu”. Một vụ bắt nạt có quy mô toàn trường diễn ra, đứng đầu là nhóm “F4” bao gồm 4 nam sinh thống trị trong trường.

Tsukushi đối mặt với Doumyoji Tsukasa, kẻ cầm đầu vụ bắt nạt và bằng tinh thần “cây cỏ dại mạnh mẽ” của mình, cô dần thân thiết và trở thành một mảnh ghép của F4.

Makino Tsukushi là một trong những nữ chính luôn sẵn sàng chiến đấu, là hình mẫu tiêu biểu của thập niên 90. Cảnh Tsukushi đánh Domyoji – nhân vật nam chính là một thể nghiệm tươi mới chưa từng có trong shojo manga.
Mối quan hệ với nhóm F4 dần thay đổi nhờ tinh thần bất khuất đó của Tsukuji và câu chuyện xoay chuyển sang thể loại hài lãng mạn.

Một tác phẩm khiến độc giả thổn thức khôn nguôi, nửa đầu mô tả việc đối đầu với vụ bắt nạt, nửa sau là những tình tiết phát triển thành tình yêu với nhiều rào cản. Điểm cuốn hút của bộ manga chính là sự thay đổi của F4 sau khi thân thiết với Tsukushi, đặc biệt các cô gái trên khắp nước Nhật đều xao xuyến trước sự khác biệt quá đỗi trong con người Domyoji Tsukasa.
Xem chi tiết trên Amazon

3-2. Orange

Orange

Câu chuyện tình yêu có yếu tố khoa học viễn tưởng, xoay quanh nhân vật nữ chính là Naho đang học lớp 11, tình cờ nhận được lá thư được gửi từ chính mình của 10 năm sau.

Bức thư kể lại những sự kiện của 10 năm sau khiến một người vốn nhút nhát như Naho phải quyết định hành động để thay đổi bi kịch của tương lai…

Vào thời gian đầu khi xuất bản, nó được đăng trên tạp chí shojo manga nhưng sau đó tạm ngừng xuất bản, nhờ thế, nó chuyển sang đăng trên tạp chí dành cho thanh niên và mở rộng đối tượng độc giả là cả nam giới trưởng thành.

Nhân vật nữ chính trước nay luôn cam chịu vì hạnh phúc của những người xung quanh, nhưng cô quyết định tự mình phải hành động để thay đổi tương lai, đây chính là một trong những điểm hấp dẫn của tác phẩm. Hình ảnh 5 người bạn dù lo sợ cho tương lai sắp đến nhưng vẫn cùng nhau nỗ lực để làm nên phép màu, chạm đến trái tim của nhiều độc giả. Tập cuối vô cùng xúc động và các bạn nhất định phải đọc để xem họ “có thể biến nó thành một tương lai tươi sáng hay không?” nhé.
Xem chi tiết trên Amazon

3-3. Kimi ni todoke

君に届け

Kuronuma Sawako, một cô gái có tính cách dịu dàng với phương châm sống “dĩ hoà vi quý”, nhưng cô bị mọi người e sợ và đặt cho biệt danh là “Sadako” chỉ vì mái tóc đen dài, trông u ám.

Tuy nhiên, nhờ thân thiết với Kazehaya, một người được tất cả mọi người yêu mến và chẳng bận tâm đến những lời đồn đại, dần dần Sawako được mọi người chấp nhận. Một câu chuyện về tuổi thanh xuân của Sawako và những người bạn, họ cùng nhau trưởng thành, trải qua những cung bậc cảm xúc của tình yêu, tình bạn, hướng đi trong tương lai…

“Kimi ni todoke” là tác phẩm đại diện tiêu biểu có chủ đề học đường, nội dung phong phú xoay quanh tình bạn, tình yêu, con đường sự nghiệp… Nhiều độc giả đã gửi đến Sawako, một người luôn hành động dũng cảm lời nhắn nhủ, “Tớ cũng muốn hoà đồng với các bạn trong lớp!”.

Bạn chắc hẳn không rời mắt khỏi những trang sách lấp lánh gia vị yêu của Sawako và Kazehaya. Và những băn khoăn, trăn trở về hướng đi trong tương lai của mỗi người cũng sẽ lấy đi của bạn không biết bao nhiêu nước mắt.
Xem chi tiết trên Amazon

3-4. NANA

NANA

Hai nhân vật chính là Komatsu Nana, một người lên Tokyo để sống cùng bạn trai và Osaki Nana, một người ước mơ trở thành nhạc sĩ, họ tình cờ gặp nhau trên chuyến Shinkansen định mệnh và bắt đầu cuộc sống chung.

Cốt truyện xoay quanh 2 NANA với tính cách trái ngược và đan xen trong đó là mối quan hệ phức tạp giữa người với người, những thành viên của ban nhạc như BLACK STONES hay TRAPEST.

Điểm cuốn hút của nguyên tác là nó mô tả trần trụi, đầy ám ảnh những âu lo của tuổi trẻ như ước mơ và hiện thực, thành công và vấp ngã thông qua câu chuyện tình yêu của 2 cô gái cùng tên NANA. Tình yêu trong NANA được mô tả chân thực, mối quan hệ yêu đương chồng chèo phức tạp, không theo mô típ thông thường của shojo manga là “những cặp đôi yêu nhau sẽ có được cái kết viên mãn”.

Và một trong những điểm nổi bật chính là gu ăn mặc thời thượng của các nhân vật. Đặc biệt, nhân vật NANA mặc đồ Vivienna Westwood trở thành niềm khao khát của các cô gái, nhiều người đã bắt chước mặc đồ giống cô.

Điều đáng tiếc là hiện tại tác phẩm vẫn bị tạm ngừng xuất bản, nhưng một khi đã bắt đầu đọc, bạn sẽ bị cuốn theo, muốn đọc mãi không thể nào ngừng lại.
Xem chi tiết trên Amazon

3-5. Ao haru ride

アオハライド

Futaba, một học sinh đang học năm nhất trung học, không ưa bọn con trai, chỉ chơi được với Tanaka, cậu bạn có vẻ ngoài giống con gái. Nhận ra mình có tình cảm với Tanaka nhưng chưa kịp thổ lộ, cậu đã phải chuyển trường ngay sau kì nghỉ hè. Lên năm 2 trung học, Futaba bị các bạn nữ bắt nạt và trở nên cô lập. Lí do là vì cậu rất được lòng các bạn nam.

Lên cấp 3, cậu cố tình hành động lỗ mãng và thành công trong việc lấy lòng các bạn nữ. Cuối năm lớp 10, cậu có cuộc tái ngộ định mệnh với Tanaka.

Cuộc sống ở trường học của Fubata đầy xáo trộn trong mối quan hệ với Tanaka, người đã thay đổi và gần như biến thành người khác, hay Yuri cô bạn bị cả đám con gái ghét bỏ.

Đúng như tựa đề tác giả đã đặt “Ao haru ride”, nghĩa là “Chạy hết tốc lực với mùa xuân xanh (thanh xuân), thanh xuân của các bạn học sinh cấp 3 được miêu tả sống động, tươi mới.

Những miêu tả về Futaba, người từng bị bắt nạt ở trường trung học và gần như phải “tự giết mình” để hoà nhập với bạn bè xung quanh, quá đỗi chân thực.

Một kiệt tác chạm đến trái tim của độc giả bởi sự vô tư, dễ thương của các nhân vật, khoảng thời gian quý giá của tuổi thanh xuân nơi có tình bạn, tình yêu, gia đình được khắc hoạ chi tiết, tỉ mỉ.
Xem chi tiết trên Amazon

4. Những bộ shojo manga được yêu thích ở Nhật

Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu những bộ shojo manga rất được yêu thích ở Nhật Bản. Chúng tôi lựa chọn dựa trên bảng xếp hạng hoặc bảng khảo sát thông qua các trang web đọc sách trực tuyến.

Có nhiều tác phẩm chưa được phát hành ở Việt Nam nhưng có thể các bạn đã nghe tên vì đây đều là những tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình hoặc anime.

Những tác phẩm có cốt truyện đầy đặn, ngay cả người lớn cũng say mê, hãy cùng đọc và thưởng thức nguyên tác nhé!

4-1. Fruits Basket

フルーツバスケット

Honda Toru là cô gái trẻ mồ côi không cha không mẹ, không có gia đình để nương tựa và sống cô độc trong một túp lều. Cô vô ý dựng lều trong khuôn viên nhà Soma, một gia đình có tầm cỡ và bề thế. Cũng nhờ cơ duyên đó, cô dọn đến sống chung với gia đình Soma, dưới vai trò một quản gia. Tuy nhiên, gia đình Soma dính phải lời nguyền Thập nhị chi (12 con giáp), chỉ cần chạm vào người khác giới, họ lập tức biến thành động vật.

Một câu chuyện đầy tính nhân văn miêu tả mối quan hệ giữa Toru và gia đình Soma.

Điểm hấp dẫn của Fruits Basket là ở cốt truyện độc đáo, dựa trên truyền thuyết “lời nguyền quái dị về 12 con giáp”. “Cứ chạm vào người khác giới sẽ hoá thành động vật”, lời nguyền đó nghe như trò đùa nhưng những ẩn ức giấu kín của mỗi nhân vật được khắc hoạ tỉ mỉ, chân thực. Hãy xem Toru đối mặt thế nào với mỗi nhân vật nhà Soma, những người đang mắc kẹt giữa tình yêu và lòng thù hận, đây cũng là một trong những điểm nhấn của nguyên tác.

Tình yêu quanh Toru sẽ ra sao, liệu lời nguyền 12 con giáp có được hoá giải? Các bạn nhất định hãy đọc đến phần kết xem sao nhé.
Xem chi tiết trên Amazon

4-2. Nagi’s long vacation

凪のお暇

Nagi, một nhân viên văn phòng sống chuẩn mực, luôn để mắt và hoà đồng với mọi người xung quanh. Vô tình nghe được đồng nghiệp và bạn trai nói xấu sau lưng khiến cô gần như gục ngã. Sau cú sốc tinh thần đó, Nagi hạ quyết tâm nghỉ việc ở công ty, chia tay bạn trai và chuyển đến sống ở căn hộ vùng ngoại ô.

Nagi tái thiết lập mọi thứ, bắt đầu cuộc sống mới với 1 triệu yên trong tay.

Câu chuyện xoay quanh Nagi, người từng vắt kiệt sức mình để hài hoà với những người xung quanh, nhưng cô dần coi cuộc đời là “một kì nghỉ dài” và bắt đầu nhìn nhận lại bản thân. Bạn sẽ không thể nào rời mắt khỏi Nagi, người đang nỗ lực tìm lại chính mình thông qua mối tương tác với những người sống cùng khu chung cư hay anh bạn trai cũ vẫn đeo đuổi.

Điểm cuốn hút của tác phẩm là ở chỗ nó không khắc hoạ người xấu hay tốt mà ai ai cũng sẽ có những vấn đề riêng. Chắc hẳn bạn đọc sẽ tìm thấy hình ảnh của mình đâu đó trong các nhân vật, dù tổn thương nhưng vẫn phải sống hết mình. Tác phẩm đặc biệt dành cho phụ nữ trưởng thành muốn đọc shojo manga.
Xem chi tiết trên Amazon

4-3. Seishun otome banchou!

青春乙女番長!

Nữ chính Hirata Mihane được đặt biệt danh là “quái vật sát nhân” vì vẻ mặt đáng sợ và tính cách bạo lực. Trái với vẻ bề ngoài, Hirata có trái tim trong sáng và nồng hậu, cô có cảm tình với Touma, một nam sinh được mọi người yêu mến.

Khi đang nhìn trộm đối phương nhưng lại bị hiểu nhầm là nhìn với vẻ hằn học nên để hoá giải hiểu nhầm đó, Mihane lấy hết dũng khí tỏ tình. Mihane ra điều kiện “cho thời gian thử thách là 3 ngày”, và đã đâm lao thì phải theo lao nên cô quyết chí trở thành thiếu nữ phù hợp với Touma…

Điểm hấp dẫn của tác phẩm chính là nhân vật nữ chính có vẻ bề ngoài dữ dằn nhưng trong sáng và lương thiện. Dù bị nói xấu sau lưng nhưng cô gái ấy luôn thẳng thắn đối mặt và ý chí kiên cường đó tạo ấn tượng tốt đẹp cho nhiều độc giả nữ.

Vẻ mặt lầy lội của nữ chính khiến bạn không thể tin đây là tác phẩm shojo manga nhưng bạn sẽ phải đọc ngấu nghiến vì độ siêu hài và bựa. Hình ảnh Mihane hành động để bảo vệ Touma chỉ có thể diễn tả bằng từ “ikemen” (soái ca). Và đảm bảo độc giả sẽ có những trận cười sảng khoái trong quá trình Mihane chinh phục Touma nhờ tận dụng vẻ ikemen của mình.
Xem chi tiết trên Amazon

4-4. Namaiki Zakari.

なまいきざかり。

Nhân vật nữ chính – Yuki, có vẻ ngoài lạnh lùng, thầm yêu đơn phương đội trưởng đội bóng rổ mà cô làm quản lý. Nhưng chẳng may, tình cảm đó bị bại lộ bởi đàn em Naruse, cậu ta nắm được điểm yếu của Yuki nên đem đàn chị ra trêu chọc.

Naruse biết được phần nội tâm của Yuki, khác hẳn vẻ cool ngầu bên ngoài, cậu dần chú ý đến cô như một người khác giới. Naruse tích cực tiếp cận nhằm thay đổi tình cảm của Yuki.

Một tác phẩm cực kỳ hấp dẫn, trong đó nữ chính lạnh lùng, hiếm khi rung động, nhưng cô dần giải toả được cảm xúc khi tương tác với đàn em Naruse. Naruse bình thường mang vẻ mặt vô cảm nhưng chỉ với đàn chị Yuki, cậu tỏ ra nhõng nhẽo, ích kỷ, mong muốn độc chiếm theo mô típ “tình chị em”, đây cũng là điểm cuốn hút, gây “đốn tim” các fan nữ.

Chắc hẳn không ít cô gái phải thổn thức bởi cách tiếp cận nồng nhiệt và quyết liệt của Naruse. Một tác phẩm dành cho các fan nữ muốn được trải nghiệm những giây phút ngọt ngào tan chảy giữa đời thường.
Xem chi tiết trên Amazon

4-5. Last game

ラストゲーム

Yanagi, một chàng trai hoàn hảo với vẻ ngoài ưa nhìn, thông minh, xuất thân gia giáo. Cậu trải nghiệm thất bại đầu tiên trong đời khi cả thành tích học tập lẫn thể thao đều về sau Kujo Mikoto, một cô bạn vừa chuyển trường, vốn con nhà nghèo, vẻ ngoài lại không có gì nổi bật. Yanagi tin vào câu nói “Yêu mới là kẻ thua cuộc”, ngọn lửa ganh đua bùng cháy và cậu hạ quyết tâm khiến Mikoto phải yêu mình.

Một tác phẩm hài lãng mạn nhẹ nhàng khi Yanagi liên tục tấn công Mikoto với danh nghĩa “một trò chơi” nhưng cậu nhận lấy thất bại hết lần này đến lần khác.

Tác phẩm thú vị bởi cuộc đối đầu hài hước giữa Yanagi và Kujo, một bên thì ý thức và muốn làm xoay chuyển đối phương, một bên thì dửng dưng không đoái hoài. Cốt truyện xoay quanh 2 người từ tiểu học đến đại học, tương thân tương ái nhưng lận đận mãi không đến được với nhau. Và chắc hẳn không ít độc giả xúc động trước hình ảnh 2 con người cùng nhau đấu tranh với những mặc cảm trong mình và cùng nhau trưởng thành.

Các bạn hãy theo dõi trận chiến của Yanagi xem cuối cùng cậu ta có thắng được Kujo không nhé!
Xem chi tiết trên Amazon

5. Phần kết

Tôi đã giới thiệu đến các bạn về lịch sử, sức hấp dẫn của shojo manga và những tác phẩm nhất định phải đọc. Dưới đây là danh sách tác phẩm tôi đã giới thiệu trong bài viết.

【Lịch sử shojo manga】

Tựa đề

Tác giả

Khái quát

1953

Ribbon no kishi

Tezuka Osamu

Bộ shojo manga đầu tiên của Nhật Bản
Hoạ sĩ vẽ manga là nam giới đi tiên phong trong thời kì “bình minh” của shojo manga

1960

Hoshi no tategoto

Mizuno Hideko

Sự ra đời của shojo manga chú trọng cốt truyện, do nữ hoạ sĩ manga sáng tác
Manga có đề tài thể thao trở thành trào lưu do ảnh hưởng của thế vận hội Olympic Tokyo,

1969

Fire!

Mizuno Hideko

1968

Attack No.1

Urano Chikako

1972

Versailles no bara

Ikeda Riyoko

Thời kì hoàng kim của shojo manga với sự nổi lên của “Nhóm Showa năm 24”
Shojo manga với nội dung kịch tính trở thành trào lưu

1972

Poe no ichizoku

Hagio Moto

1976

Kaze to ki no uta

Takemiya Keiko

1981

Baajin ♬ondo

Shiraishi Ai

Thời kì hoàng kim của các tác phẩm học đường
Bối cảnh chuyển từ thế giới tưởng tượng sang thế giới thực
Ngày càng có nhiều tác phẩm mô tả chân thực yếu tố tình dục

1982

Junjo crazy fruits

Matsunae Akemi

1985

BANANAFISH

Yoshida Akimi

1986

Hot Road

Tsumugi Taku

1986

Minamikun no koibito

Uchida Shungicu

Hoạ sĩ manga H dành cho thiếu nữ
Hoạt động tích cực của những nữ hoạ sĩ manga vẽ cảnh tính dục
Ảnh hưởng đến dòng shojo manga sau này

1989

pink

Okazaki Kyoko

1992

Making Happy

Sakurazawa Erica

1992

Thuỷ thủ mặt trăng

Takeuchi Naoko

Sự xuất hiện của nữ chính có cá tính độc lập
Ngày càng nhiều tác phẩm tập trung khắc hoạ những vấn đề tâm lý bên trong
Thành công của josei manga, truyện tranh có đối tượng là phụ nữ trưởng thành

1995

Dòng sông huyền bí

Shinohara Chie

1990

BASARA

Tamura Yumi

1992

Iguana Girl

Hagio Moto

1995

Happy Mania

Anno Moyoko

1993

Sweet relationship

Makimura Satoru

2001

Nodame Cantabire

Ninomiya Tomoko

Các tác phẩm có đề tài “tình yêu+α” giữ vai trò chủ đạo
Ngày càng nhiều tác phẩm khắc hoạ những vấn đề thực tế như tiền bạc hay tuổi già…

2012

Chạy trốn thì xấu hổ nhưng có ích

Umino Tsunami

【Những tác phẩm shojo manga được yêu thích ở Việt Nam】

Thời gian phát hành

Tựa đề

Tác giả

1992-2004

Con nhà giàu – Boys over flowers

Kamio Yoko

2012-

Orange

Takano Ichigo

2005-2017

Kimi ni todoke

Shiina Karuho

2000-

NANA

Yazawa Ai

2011-2015

Ao Haru Ride

Sakisaka Io

【Những tác phẩm shojo manga được yêu thích ở Nhật】

Thời gian phát hành

Tựa đề

Tác giả

1998-2006

Fruits Basket

Takaya Natsuki

2016-

Nagi’s long vacation

Konari Misato

2013-2014

Seishun otome bancho

Seino Shizuru

2014-

Namaiki Zakari

Miyuki Mitsubachi

2011-2016

Last game

Amano Shinobu

Shojo manga có tranh vẽ tuyệt đẹp, những cảnh miêu tả tâm lý rất chỉn chu và đa số là các cây viết là nữ giới. Tuy nhiên, vào thập niên 50 khi shojo manga ra đời thì phần lớn các cây viết là nam giới.

Các nữ hoạ sĩ manga chỉ thực sự nắm vai trò chủ đạo kể từ sau thập niên 60. Họ dựa trên khuôn mẫu cốt truyện mà các nam hoạ sĩ đã gây dựng, thổi vào đó trào lưu mới mang tính cách mạng.

Vào thập niên 70, nhóm nữ hoạ sĩ vẽ manga có tên gọi “Nhóm Showa năm 24” đóng vai trò chủ đạo. Những câu chuyện kịch tính mà “Nhóm Showa năm 24” sáng tạo vẫn được các cô gái ngày nay đón đọc sau hơn 40 năm.

Bên cạnh “Nhóm Showa năm 24” ngày càng thành công vang dội, “Otome chikku manga”, truyện tranh miêu tả về tình yêu đơn thuần giữa nam và nữ cũng được yêu thích. Và vào thập niên 80, tiếp sau dòng chảy của “Otome chikku manga” là đến thời hoàng kim của tình yêu học đường.
Quan điểm “shojo manga đồng nghĩa với tình yêu học đường” được hình thành từ thập niên 80.

Thập niên 80 cũng là thời kì mà bối cảnh của shojo manga chuyển từ thế giới huyền ảo sang thế giới thực. Những cảnh tính dục được khắc hoạ tự nhiên như một phần không thể thiếu trong tình yêu và khoảng cách giữa manga với đời thực xích lại gần nhau hơn.

Vào thập niên 90, nữ anh hùng chiến đấu được mọi người đón nhận. Bối cảnh xã hội của nó là phụ nữ ngày càng thăng tiến trong xã hội và có vị thế ngang bằng với nam giới.

Kể từ sau năm 2000, các giá trị quan được làm mới, cốt truyện không đơn thuần xoay quanh tình yêu mà thêm vào đó là tình bạn, hôn nhân, sự nghiệp, tiền bạc…
Shojo manga thay đổi theo từng thời kì như thế và qua shojo manga bạn sẽ hiểu được “phụ nữ Nhật thời đó” như thế nào?

Shojo manga không chỉ dành cho các bạn nữ.
Kể từ sau năm 2000, những bộ phim điện ảnh, truyền hình, anime ăn khách có nguyên tác là shojo manga mở rộng lượng độc giả đến cả nam giới và phụ nữ trưởng thành.

Nhờ thế, đề tài của manga trở nên phong phú, những năm gần đây không ít tác phẩm đề cập đến các vấn đề nổi cộm trong xã hội hay vấn đề về giới. Và rất nhiều bộ shojo manga khiến những người “muốn tan chảy trong tình yêu” hay những người “khổ sở vì không hoà nhập được với môi trường xung quanh” cảm thấy thực sự đồng cảm.

Chắc chắn sẽ có một bộ shojo manga dành riêng cho bạn. Thế nên, hãy thử tìm ngay cho mình bộ manga mà bạn quan tâm nhé!

Tài liệu tham khảo:
田川美由,吉田恵『20世紀少女マンガ天国』,エンターブレイン,2001,p6-49.
むらやまあき,「少女「マンガの『歴史』を研究家に学ぶ【ベルばら~ハチクロまで】」,「どこでも地元メディアJIMOCORO」,
https://www.e-aidem.com/ch/jimocoro/entry/murayama01(閲覧日:2021年6月11日)
日販 ほんのひきだし編集部 浅野,「女子マンガ研究家 小田真琴に聞く「これから読みたいマンガ・今読み返したいマンガ」【平成編】」,「ほんのひきだし」,
https://hon-hikidashi.jp/enjoy/86044/(閲覧日:2021年6月11日)