“Muốn trải nghiệm cảm giác “đốn tim” mà trong thực tế không thể có!”

Bạn có từng nghĩ thế không?

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dường như không được nếm trải cảm giác “đốn tim” đến thổn thức phải không nào? Vì thế, không ít người tìm kiếm điều đó qua những bộ phim điện ảnh hay phim truyền hình lãng mạn.

“Chuyện cổ tích lọ lem đẹp như mơ”
“Chuyện tình ngọt ngào, say đắm”
“Một câu chuyện gây nhức nhối tâm can về tình yêu hay sự ghen tuông”

Và có vô số những mô típ tình cảm lãng mạn khác nhau.

Thực tế, ở Nhật khán giả không chỉ thưởng thức những câu chuyện tình yêu như thế qua phim điện ảnh hay truyền hình mà còn qua cả phim hoạt hình, hay còn gọi là anime.

Các nhân vật, vốn chỉ là anime nhưng lại có sức biểu cảm sống động không thua kém gương mặt của diễn viên trong phim điện ảnh hay truyền hình.

Tôi hy vọng các bạn nước ngoài cũng được trải nghiệm “cảm giác đốn tim” đến thổn thức qua những bộ phim hoạt hình Nhật Bản. Trong bài viết này, tôi sẽ lần lượt giới thiệu đến các bạn 16 bộ phim hoạt hình tình cảm lãng mạn rất được yêu thích ở Nhật.

Tôi rất vui nếu bài viết sẽ là một kênh tham khảo khi các bạn khi thưởng thức anime Nhật.

1. Đặc trưng phim hoạt hình tình cảm lãng mạn của Nhật

Phim hoạt hình tình cảm lãng mạn của Nhật cũng rất nổi tiếng và được đón nhận ở nước ngoài, thế bí mật đằng sau sự nổi tiếng đấy là gì?

Dù cốt truyện và thế giới quan có phần phi hiện thực nhưng tình cảm, mối quan hệ giữa các nhân vật lại rất chân thực, chạm đến cảm xúc của khán giả. Đây cũng chính là một trong những đặc trưng của phim hoạt hình Nhật Bản. Các nhân vật trong những câu chuyện tình cảm đó không bị lý tưởng hoá khiến khán giả có thể cùng buồn, cùng vui với nhân vật.

Người Nhật vốn dĩ không mấy khi bộc lộ cảm xúc, hơi nhút nhát và luôn tránh gây sự chú ý. Thay vào đó, họ để tâm đến biểu cảm trên nét mặt và thấu hiểu cảm xúc của đối phương.

Những đặc điểm này được phản ánh trong anime tình cảm lãng mạn của Nhật, các nhân vật trong phim luôn thể hiện cảm xúc bằng một chút biểu cảm trên gương mặt.

Có những đoạn hội thoại trong im lặng, biểu cảm tinh tế xuất hiện giữa cuộc trò chuyện tưởng hết sức bình thường, nhưng đó lại là những khung hình nhuộm màu cảm xúc.

Ngoài ra, cảm xúc của nhân vật được biểu đạt dễ hiểu, chẳng hạn đôi mắt long lanh sáng ngời hay rưng rưng đẫm lệ, đôi má ửng hồng. Những nét biểu cảm như vậy gần như không có trong đời thực.

Người Nhật cũng không mấy khi bày tỏ tình cảm bằng lời nói, nên họ thấy đồng điệu với những mô tả tinh tế như thế này hơn, cảm xúc của nhân vật có thể chạm tới khán giả.

Nói cách khác, anime tình cảm lãng mạn của Nhật được tạo nên từ hiệu ứng tương tác, nhân vật bộc lộ cảm xúc tinh tế trong phim, người xem đón nhận và thấy trái tim mình không ngừng thổn thức.

Ngoài ra, người Nhật có tính cách khép kín hơn so với người nước ngoài, đa phần diễn biến tình cảm trong phim là “tình trong như đã mặt ngoài còn e” hay “không biết làm thế nào để bày tỏ tình cảm với đối phương”.

Sự vụng về khi thể hiện cái tôi cá nhân hay tính cách chừng mực, khiêm nhường của người Nhật ít nhiều sẽ gây cảm giác “sốt ruột” cho khán giả nước ngoài. Tuy nhiên, chính sự khác biệt về văn hoá lại trở nên hấp dẫn, khiến khán giả càng thêm cảm động bởi từng nét biểu cảm được khắc hoạ lắng đọng và tinh tế trong phim.

Anime nước ngoài thường có đề tài hài hước hay siêu anh hùng, có lẽ vì thế mà được đắm chìm trong những bộ anime tình cảm lãng mạn là một điều gì rất tươi mới, khiến khán giả rung động.

2. Những bộ phim hoạt hình tình cảm lãng mạn nhất định phải xem!

Tiếp theo, tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những bộ phim hoạt hình tình cảm lãng mạn của Nhật.

Có thể không phải là những cái tên quá quen thuộc với khán giả Việt Nam nhưng đây đều là những bộ anime rất nổi ở Nhật, các bạn nhất định nên xem thử nhé!

2-1. CLANNAD (gọi tắt là Kuranado)

クラナド

Okazaki Tomoya phải từ bỏ môn bóng rổ do chấn thương và sức khoẻ không được tốt. Cậu sống những ngày uể oải, chán chường ở trường học.

Một ngày khi đang đến trường, cậu tình cờ gặp Furukawa Nagisa, lúc đó đang lẩm nhẩm đọc từ “anpan”.

Nagisa nói vì thể chất yếu cô phải học lại 1 năm trong khi tất cả những người bạn thân đã tốt nghiệp, điều đó làm cô thấy bất an. Tomoya động viên Nagisa, “Hãy tìm cho mình điều gì mới mẻ và thú vị, rồi sẽ ổn thôi!”. Và hai người thành bạn.

Thấy Nagisa muốn tham gia câu lạc bộ kịch nhưng không đủ tự tin và vì điều kiện sức khoẻ không tốt, Tomoya ra sức động viên. Nhưng rốt cuộc câu lạc bộ kịch bị bãi bỏ.

Trước tình hình đó, Tomoya và Nagisa cùng một số bạn khác trong trường đặt mục tiêu khôi phục lại câu lạc bộ kịch.

CLANNAD được fan anime của Nhật gọi là kiệt tác anime tình cảm lãng mạn.

Ban đầu, CLANNAD được phát hành dưới dạng một game phiêu lưu lãng mạn bởi hãng game Key, sau đó mới được chuyển thể thành anime.

Thế giới song song trong game cũng được lồng vào bản chính của anime, hợp nhất thành một câu chuyện và được fan của game này đánh giá cao.
Xem chi tiết trên Amazon

2-2. Cặp mắt sát thủ

とらドラ!

Takasu Ryuji bị mọi người coi là Yankee (đầu gấu) vì vẻ dữ dằn trong ánh mắt của cậu. Lên lớp 11, cậu chán ngấy với việc phải giải quyết những hiểu nhầm “Takasu là một Yankee!”.

Đúng lúc đó, cậu gặp Aisaka Taiga, một cô nàng có biệt danh “hổ cái” vì chuyên kiếm cớ gây lộn với bất kì ai, nhưng không ngờ sau đó hiểu lầm của Ryuji được hoá giải.

Ryuji và Taiga đều có người mà mình thầm thương trộm nhớ, cả hai hợp cùng chiến tuyến để giúp người kia đến được với người thương của mình…

Tác phẩm được chuyển thể từ cuốn light novel[1]rất được yêu thích ở Nhật và series này đã phát hành tổng cộng trên 5 triệu bản.

Xung đột và trưởng thành, sự phức tạp giữa tình yêu và tình bạn, quá trình chuyển đổi từ “thích” sang “yêu”, mâu thuẫn trong mỗi gia đình… Có thể nói đây là tác phẩm tiêu biểu cho dòng anime lãng mạn, khắc hoạ thanh xuân ngọt ngào, chua xót của những cô cậu học sinh cấp 3.
Xem chi tiết trên Amazon

[1] Light novel: một thể loại tiểu thuyết của Nhật, nội dung tương đối dễ hiểu và phù hợp với giới trẻ. Tên gọi kết hợp từ hai từ tiếng Anh là Light (nhẹ) và novel (tiểu thuyết)

2-3. Tháng tư là lời nói dối của em

四月は君の嘘

Arima Kosei được coi là thần đồng âm nhạc, cậu vượt qua rất nhiều cuộc thi về piano với những màn trình diễn hoàn hảo đến từng nốt nhạc. Nhưng sau cái chết của mẹ, cậu không thể tiếp tục chơi đàn được nữa.

Trải qua 3 năm bị sang chấn tâm lý, tình cờ một ngày cậu gặp Miyazono Kaori, một người chơi dương cầm có vẻ ngoài trong sáng, thánh thiện. Kaori bất ngờ đề nghị Kosei, “Hãy đệm đàn cho tớ”, sau đó Kaori cố gắng kéo Kosei quay trở lại với thế giới âm nhạc.

Kosei đấu tranh với căn bệnh sang chấn tâm lý, quyết tâm theo kịp Kaori. Trong quá trình đó, cậu dần nảy sinh tình cảm với Kaori.

Nhưng, Kaori có một bí mật lớn…

Can đảm trong cuộc đấu tranh với nghệ thuật, cụ thể là “âm nhạc”, một câu chuyện buồn đẫm nước mắt! Phải nói là một kiệt tác lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả. Các bạn hãy chuẩn bị thật nhiều khăn giấy khi xem bộ anime này.
Xem chi tiết trên Amazon

2-4. Những câu chuyện huyền bí

化物語

Tác phẩm đầu tiên được chuyển thể thành anime trong series “Monogatari” của Nishio Ishin, người được mệnh danh là bậc thầy của tiểu thuyết light novel.

Nhân vật chính là Araragi Koyomi. Vào kì nghỉ xuân cuối năm lớp 11, chuẩn bị lên lớp 12, Araragi chẳng may vướng vào một “sự cố” khiến cậu biến thành nửa người nửa ma cà rồng.

Một buổi sáng, trên đường đến lớp học, Araragi đỡ được Senjogahara Hitagi, người bị ngã từ trên cầu thang và rơi xuống. Hoá ra Senjogahara không có “trọng lượng”.

Araragi vốn là người nhìn thấy người khác gặp nguy thì không thể làm ngơ, cậu bất chấp lời đe doạ của Senjogahara, đưa cô tới chỗ Oshino Meme, một người am hiểu về những điều “quái dị”[2], cũng là người từng cứu giúp cậu trong kì nghỉ xuân.

Bắt đầu từ Senjogahara, các nhân vật khác xuất hiện và bị cuốn vào những điều huyền bí. Araragi lần lượt giải quyết từng vụ việc, câu chuyện ngày càng hồi hộp và gay cấn…

Đây là anime có đề tài khoa học viễn tưởng, nhưng nó cũng là câu chuyện về tuổi thanh xuân với âm hưởng mới lạ, hấp dẫn, đan xen trong đó là dư vị tình yêu, ghen tuông của các cô cậu học sinh cấp 3.

“Bakemonogatari” chỉ là phần mở đầu “Giới thiệu về các nhân vật” trong series “Monogatari”, từ đó nhiều chuyện diễn ra nối tiếp, đặc biệt “tuổi thanh xuân” của Araragi Koyomi được khắc hoạ cực kỳ tinh tế và sâu sắc.

Nhiều phần trong series này được chuyển thể thành anime. “Chuyện gì đã xảy ra trong kì nghỉ xuân của Araragi?”, “Thân phận thực sự của Oshino Shinobu là gì?”, “Thanh xuân của Araragi như thế nào?”… dần được sáng tỏ, khiến khán giả say mê thích thú. Một trong những điểm cuốn hút nhất của bộ anime này là càng xem càng ngỡ ngàng bởi hàng loạt tình tiết được cài cắm trước đó. Vì vậy, hãy xem toàn bộ series này theo trình tự thời gian phát hành nhé!
Xem chi tiết trên Amazon

【Series “Monogatari” được được chuyển thể thành anime】
●Phần 1
・Bakemonogatari
・Kizumonogatari ※Phim hoạt hình chiếu rạp
・Nisemonogatari
・Nekomonogatari (Đen)

●Phần 2
・Nekomonogatari (Trắng)
・Kabukimonogatari
・Hanamonogatari
・Otorimonogatari
・Onimonogatari
・Koimonogatari

●Phần cuối
・Tsukimonogatari
・Koyomimonogatari
・Owarimonogatari
・Zoku-Owarimonogatari ※Phim hoạt hình chiếu rạp

[2] “Quái dị”: những điều kì quặc, không thể lí giải bằng lý lẽ thông thường.

2-5. Lang nữ và hoàng tử hắc ám

オオカミ少女と黒王子

Nhân vật chính là Shinohara Erika, cô hay kể cho bạn bè nghe về mối tình của mình với bạn trai. Nhưng trên thực tế, cô chưa từng có kinh nghiệm yêu đương, nói gì đến chuyện có bạn trai.

Bị bạn bè nghi ngờ, Erika tỏ ra sốt sắng. Cô chụp trộm một chàng thanh niên đẹp trai tình cờ bắt gặp trên phố, cho bạn bè xem ảnh và tự nhận đó là người yêu mình. Hoá ra anh chàng đẹp trai đó là Sata Kyoya, bạn cùng trường và được mọi người đặt cho biệt danh là “hoàng tử”.

Erika nghĩ “Thôi xong!”, cô đành kể hết sự tình với Kyoya nhờ cậu đóng giả bạn trai mình.

Tuy nhiên, trái ngược với vẻ ngoài hiền lành, Kyoya thực ra là một anh chàng có sở thích bắt nạt và trêu chọc người khác một cách “tàn bạo”.

Kyoya với sở thích bắt nạt và trêu chọc “tàn bạo” đó làm tan chảy trái tim bao cô gái!

Năm 2016, bộ anime này được dựng thành phim điện ảnh và trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi, với sự tham gia diễn xuất của hai diễn viên nổi tiếng là Yamazaki Kento và Nikaido Fumi.
Xem chi tiết trên Amazon

2-6. Gửi đến bạn hiền

君に届け

Kuronuma Sawako không mấy hoà đồng với các bạn trong lớp, cô được đặt biệt danh là “Sadako”[3]bởi mái tóc đen dài, làn da trắng xanh và tính cách lặng lẽ, ít nói của mình. Cô thầm ngưỡng mộ Kazehaya Shota, một cậu bạn rất được lòng các bạn trong lớp, cả nam lẫn nữ vì tính cách chan hoà, tươi vui.

Tình cờ Sawako trở nên thân thiết với Shota.

Tình cảm “ngưỡng mộ” ban đầu dần chuyển thành “yêu” và khoảng cách với Shota ngày càng ngắn lại…

Trái ngược với vẻ bề ngoài, Sawako trong sáng, thánh thiện và luôn nỗ lực hết mình, chính sự can đảm của cô dần chiếm được cảm tình và nhận được sự ủng hộ của mọi người.

Ngoài ra, đông đảo khán giả đồng cảm với với câu chuyện về tình yêu, tình bạn, về tương lai cũng như quá trình xung đột và trưởng thành của Sawako.
Xem chi tiết trên Amazon

[3] Sadako: nhân vật ma nữ có bộ tóc đen dài trong phim Ringu, một bộ phim ma nổi tiếng của điện ảnh Nhật, công chiếu năm 1998. Trong phim có cảnh nhân vật bò ra từ màn hình ti vi khiến khán giả rợn tóc gáy. Sadako thậm chí được gọi là “hồn ma nổi tiếng nhất của nước Nhật”.

2-7. Hội chứng tuổi thanh xuân

青春ブタ野郎はバニーガール先輩の夢を見ない

Nhân vật chính là Azusagawa Sakuta, một ngày nọ, cậu tình cờ trông thấy Sakurajima Mai ở thư viện trong bộ dạng của một Bunny Girl. Nhưng dường như ngoài Sakuta, không ai trông thấy bộ dạng đó của Mai.

Mai mắc chứng bệnh “hội chứng tuổi dậy thì” đã thành truyền thuyết trong thành phố, khiến những người khác không nhìn thấy hình dáng của cô (hiện tượng trong suốt). Để mọi người nhìn thấy mình, cô mặc bồ đồ Bunny Girl.

Sakuta công khai tỏ tình với Mai trước tất cả các học sinh khác trong trường, mong muốn mọi người công nhận sự tồn tại của Mai…

Một câu chuyện về sự trưởng thành của các nhân vật như Sakuta hay Mai, xoay quanh “hội chứng tuổi dậy thì”. Nguyên nhân gây ra tất cả những hội chứng này, bao gồm cả “hiện tượng trong suốt” là do những xung đột, lo lắng thường phát sinh ở tuổi vị thành niên.

Đây vốn là tiểu thuyết light novel được đăng nhiều kì với tên gọi “Loạt truyện khốn kiếp tuổi dậy thì”, được dựng thành anime, từ tập 1 đến 6 của bộ đầu tiên có tên gọi “Lũ khốn kiếp tuổi dậy thì không mơ thấy đàn chị Bunny Girl”, tập 6-7 có tên gọi “Bọn nhóc tuổi teen không mơ thấy thiếu nữ mộng mơ”.
Xem chi tiết trên Amazon

2-8. Chuyện tình thanh xuân bi hài của tôi

やはり俺の青春ラブコメはまちがっている。

Nhân vật chính là Hikigaya Hachiman, một người không thể kết bạn, cậu quyết định từ bỏ việc cố gắng kết bạn và trở nên “tuyệt đối cô đơn”. Giáo viên ép cậu gia nhập câu lạc bộ tình nguyện, có nhiệm vụ giải quyết mọi ưu phiền.

Ở đó cậu gặp Yukinoshita Yukino, một người có tài ăn nói nhưng lại không giỏi kết bạn.

Bộ phim xoay quanh Hachiman và Yukino “những người không giỏi giao tiếp”, nhiều nhân vật khác xuất hiện, họ yêu nhau, tận hưởng tuổi thanh xuân, đôi khi có va chạm, tổn thương…

Hầu hết tên gọi của nhân vật trong phim bắt nguồn từ địa danh Kamakura, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Nhật. Nếu bạn yêu thích bộ anime này, việc khám phá tên các nhân vật cũng rất thú vị.
Xem chi tiết trên Amazon

2-9. Chuyện tình tuổi thanh xuân

月がきれい

Azumi Kotaro, khát vọng trở thành tiểu thuyết gia, còn Mizuno Akane tham gia câu lạc bộ điền kinh. Hai người là bạn cùng lớp và bắt đầu để ý đến nhau.

Một ngày nọ, Kotaro tỏ tình với Akane, hai người chính thức hẹn hò và dần rút ngắn khoảng cách.

Tuy nhiên, bố Akane chuyển công tác buộc cô phải chuyển nhà theo và hai người bắt đầu yêu xa.

Akane luôn thấy bất an vì yêu xa. Trong khi đó, Kotaro đăng một cuốn tiểu thuyết nói về mối quan hệ của mình với Akane lên website chuyên cho đăng tiểu thuyết.

Vì chủ đề là “tiểu thuyết” nên không chỉ cuốn tiểu thuyết Kotaro chấp bút mà cả những đoạn trò chuyện giữa Kotaro và Akane qua LINE đều là những áng văn chương tuyệt đẹp.
Xem chi tiết trên Amazon

2-10. Chuyện tình của tôi!!

俺物語!!

Gouda Takeo là một người có trái tim trong sáng và tôn thờ chính nghĩa, cậu rất được các nam sinh mến mộ. Nhưng với thân hình hộ pháp, cao 2 mét, nặng 120 kg, cậu không chiếm được cảm tình của phái nữ. Từ trước đến nay, hễ phải lòng cô gái nào thì người đó đều thích Sunakawa Makoto, cậu bạn đẹp trai sáng láng và là bạn thân từ thưở ấu thơ của Takeo.

Một ngày nọ, Takeo giải cứu Yamato Rinko khi cô gặp phải tên biến thái trên tàu điện. Cậu phải lòng Rinko từ cái nhìn đầu tiên. Takeo nghĩ lần này chắc Rinko cũng thích Makoto nên tỏ ra chán nản, nhưng thực tế người Rinko nghĩ đến là Takeo. Sau đó, nhờ sự giúp sức của Makoto, Takeo và Rinko chính thức hẹn hò.

Tình yêu của 2 con người trong sáng nhưng có phần vụng về đem lại cảm giác ấm áp cho khán giả. Tác phẩm theo mô típ “người đẹp và quái thú” thực sự tươi mới, khác biệt so với mô típ “thanh mai trúc mã”, đã thành chủ đạo của dòng phim tình cảm lãng mạn.
Xem chi tiết trên Amazon

2-11. Tình yêu và sự lừa dối

恋と嘘

Một thế giới mà theo Luật cơ bản về việc đối phó với tỷ lệ sinh siêu giảm (hay còn gọi là Luật Yukari), nam nữ Nhật trên 16 tuổi bị cấm yêu đương tự do và phải kết hôn với người có gien di truyền tương thích tốt với mình, do nhà nước quyết định.

Ở thế giới đó, thanh niên Nhật Bản đến 16 tuổi, sẽ được chỉ định người kết hôn và có nghĩa vụ phải sinh con. Ngoài ra, họ sẽ được hướng dẫn về giới tính và cách nuôi dạy con để việc sinh nở và nuôi con được thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, nhân vật chính là Nejima Yukari, quyết định tỏ tình với Takasaki Misaki ngay trước sinh nhật tròn 16 tuổi của mình. Misaki là người mà cậu thầm thương trộm nhớ từ hồi bé. Misaki cũng có tình cảm với Yukari, họ nhận ra đây là tình cảm từ hai phía. Tuy nhiên, Yukari được chỉ định vợ tương lai là Sanada Ririna và ngay ngày hôm sau, cậu phải bắt đầu hẹn hò với Ririna.

Yukari không thể chống đối lại chế độ của nhà nước, phải tiếp tục hẹn hò với Ririna, nhưng cậu không thể kiềm chế được tình cảm của mình dành cho Misaki và đành thổ lộ điều này với Ririna.

Câu chuyện về những cô cậu học sinh cấp 3 chống đối lại hệ thống hà khắc vô lý của đất nước, bằng tình cảm yêu đương thuần khiết.

Mặc dù là tác phẩm thuộc dòng khoa học viễn tưởng nhưng những xung đột, đau khổ của “tình yêu bị cấm đoán” hay dư vị ngọt ngào, chua xót của tình đầu chạm đến cảm xúc của khán giả.
Xem chi tiết trên Amazon

2-12. Honey and clover

ハチミツとクローバー

Takemoto Yuta là sinh viên trường mỹ thuật, sống cùng một căn hộ với Morita Shinobu, Mayama Takumi.

Ngoài ra còn có thêm các nhân vật khác như Harada Rika – làm việc ở văn phòng thiết kế kiến trúc, Yamada Ayumi – thần tượng trong trường Đại học và Hanamoto Hagumi, họ gặp nhau và rơi vào vòng xoáy tình yêu.

Điểm nhấn của phim những mối quan hệ tay ba tay tư, nhưng dường như đây là tác phẩm mà “tất cả đều yêu đơn phương”.

Một câu chuyện về năm tháng thanh xuân ngọt ngào, chua xót, các nhân vật tổn thương, rồi đau khổ với những cung bậc cảm xúc buồn da diết khi “người mình thích lại thích người khác”.
Xem chi tiết trên Amazon

2-13. Sakamichi no Apollon (Tạm dịch: Những đứa trẻ trên con dốc)

坂道のアポロン

Năm lớp 10, do công việc của cha, Nishimi Kaoru phải một mình chuyển đến Kyushu sống cùng họ hàng.

Từ hồi nhỏ, Kaoru đã nhiều lần chuyển trường nên cô có xu hướng khép chặt lòng mình. Nhưng ngày đầu tiên sau khi chuyển trường, nhờ cuộc gặp gỡ định mệnh với Kawabuchi Sentaro, Kaoru biết đến sức hấp dẫn của nhạc Jazz.

Người bạn đầu tiên, sự hứng khởi khi biểu diễn cùng đồng đội, tình yêu, tình bạn… Những điều mới mẻ Kaoru chưa từng được trải nghiệm từ trước đến nay giúp cậu thay đổi.

Tác phẩm lấy bối cảnh là thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki năm 1966. Khán giả có thể cảm nhận vẻ đẹp trong những khung hình thấm đượm không khí Showa, hoà quyện với chất liệu âm nhạc là Jazz, hoàn toàn khác biệt với thời hiện tại.
Xem chi tiết trên Amazon

2-14. Trò đùa đáng yêu

からかい上手の高木さん

Nhân vật chính là cặp nam sinh và nữ sinh trung học, Nishikata và Takagi.

Takagi phải lòng cậu bạn ngồi bàn bên cạnh là Nishikata và thường trêu chọc rồi thích thú xem phản ứng của Nishikata.

Nishikata cố gắng trả đũa nhưng không qua mặt được Takagi, người có thể nhìn thấu tất cả.

Một tác phẩm hài hước gây cười bởi vẻ tưng tửng thích trêu chọc Nishikata của Takagi, còn Nishikata thì vụng về chống trả.

Cốt truyện xoay quanh những trò chọc ghẹo của Takagi nên không liền mạch, tình tiết phát triển không rõ ràng, nhưng tình cảm của Takagi và Nishikata dần chuyển biến.

Điểm nhấn là yếu tố hài mạnh mẽ, nhưng đây vẫn là tác phẩm tình cảm lãng mạn khiến khán giả cảm thấy được thư giãn vì tình yêu của cô cậu học trò tuổi teen.
Xem chi tiết trên Amazon

2-15. Cuộc chiến tỏ tình

かぐや様は告らせたい~天才たち

Shirogane Miyuki và Shimomiya Kaguya là chủ tịch và phó chủ tịch Hội học sinh của ngôi trường danh tiếng “Học viện Shuchiin”, nơi tập hợp toàn học sinh ưu tú. Hai người đó thích nhau nhưng vì kiêu hãnh nên không chịu tỏ tình.

Một trận chiến cân não diễn ra, hai bên làm mọi thứ để khiến “đối phương phải tỏ tình trước”.

Một bộ anime hài lãng mạn, có yếu tố ngổ ngáo, nhưng gửi gắm trong đó là câu chuyện cảm động, đầy tính nhân văn.

Ngoài hai nhân vật chính là Kaguya và Miyuki, những thành viên khác của Hội học sinh như Fujiwara Chika – thư kí, Ishigami Yu – thủ quỹ, cũng rất độc đáo.

Khán giả có thể cùng khóc cùng cười với các nhân vật qua tuyệt phẩm siêu hài hước lãng mạn này.
Xem chi tiết trên Amazon

2-16. Horimiya

ホリミヤ

Hori Kyoko, một nữ sinh trung học có phong cách nổi bật và thành tích học tập xuất sắc. Kyoko luôn làm việc nhà thay mẹ vì mẹ cô bận việc ở công ty.

Một ngày nọ, một chàng trai đeo rất nhiều khuyên tai đưa người em bị thương của Kyoko về nhà. Thân phận thật sự của cậu ta là Miyamura Izumi, một cậu bạn trông u ám, học cùng lớp Kyoko.

Kể từ ngày đó, Izumi thường lui tới nhà Kyoko, hai người dần chú ý đến đối phương…

Một câu chuyện rất quen thuộc trong học đường, nhưng những tâm tư về tình yêu, học tập, mối quan hệ giữa người với người vô cùng chân thực, khiến ai ai cũng đồng cảm như câu chuyện của chính mình.

Những chuyển động trong cảm xúc của mỗi nhân vật tưởng như vô tình đó hẳn sẽ chiếm trọn trái tim khán giả.
Xem chi tiết trên Amazon

3. Phần kết

Dưới đây là những bộ phim hoạt hình lãng mạn của Nhật tôi đã giới thiệu trong bài viết.

・CLANNAD
・Cặp mắt sát thủ
・Tháng tư là lời nói dối của em
・Những câu chuyện huyền bí
・Lang nữ và hoàng tử hắc ám
・Gửi đến bạn hiền
・Hội chứng tuổi thanh xuân
・Chuyện tình thanh xuân bi hài
・Chuyện tình tuổi thanh xuân
・Chuyện tình của tôi!!
・Tình yêu và sự lừa dối
・Honey and clover
・Sakamichi no Apollon (Tạm dịch: Những đứa trẻ trên con dốc)
・Trò đùa đáng yêu
・Cuộc chiến tỏ tình
・Horimiya

Mỗi cung bậc cảm xúc trong số 16 phim hoạt hình lãng mạn tôi giới thiệu đều được biểu đạt lắng đọng, tinh tế và vì có chung đề tài là “tình yêu” nên cảm xúc của nhân vật luôn xáo trộn, đến và đi.

Có những phân cảnh mà khán giả nước ngoài chắc không khỏi bứt rứt khó chịu khi xem phim, “Sao mãi mà không chịu tỏ tình?”, “Sao tình yêu từ hai phía lại không đi đến đâu?”.

Tuy nhiên, cái “bứt rứt khó chịu” đó đến từ tính cách đặc trưng của người Nhật. Trong đời thực, người Nhật cũng không mấy khi bộc lộ cảm xúc và thường nhút nhát, xấu hổ.

Chính vì vậy, xem anime tình cảm cũng là một cách để hiểu thêm về quan niệm tình yêu của người Nhật và cách họ xây dựng các mối quan hệ.

Ở Nhật còn rất nhiều các bộ phim hoạt hình lãng mạn, nếu các bạn quan tâm nhất định hãy thử xem và tìm ra cho mình những tác phẩm yêu thích.

Ngoài ra, trong phim hoạt hình lãng mạn còn xuất hiện nhiều địa danh, vùng đất có thật, sẽ rất thú vị nếu các bạn thử khám phá những địa danh đó trên nước Nhật.

Tôi cũng rất vui nếu các bạn thử tiếp xúc với văn hoá Nhật qua những bộ phim hoạt hình lãng mạn và ngày càng yêu thích nước Nhật hơn.